Xuất khẩu lao động về rồi lại đi và đi nữa...

Cập nhật ngày: 26/11/2014 06:50:55

Xuất khẩu lao động (XKLĐ) là kênh giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, mang về nguồn ngoại tệ dồi dào cho đất nước, điều này không thể phủ nhận. Đồng Tháp còn nhiều khó khăn mà nguồn lao động thì khá dồi dào, nhưng trong những năm gần đây, XKLĐ chưa phát huy hiệu quả cao để đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển của tỉnh.

Các gia đình có người đi XKLĐ thì cuộc sống của họ thay đổi hẳn. Nhiều lao động sau khi trở về xây dựng nhà cửa khang trang, họ không ở nhà hưởng thụ mà quyết định đăng ký đi lao động lần hai, lần ba.

Anh Đặng Bá Hiếu ở khóm 2, thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông là một điển hình. Đi XKLĐ Đài Loan, thời gian đầu, anh gặp không ít khó khăn về ngôn ngữ, giao tiếp với người bản xứ và việc tiếp cận công nghệ của doanh nghiệp. Không nản lòng, anh học hỏi bằng cách thông qua bạn bè, tích cực tiếp xúc với quản lý người nước ngoài... dần dần anh trở nên quen thuộc với môi trường mới, giao tiếp dễ dàng và thành thạo với người bản xứ bằng tiếng Hoa. Sau 3 năm hết hạn hợp đồng từ Đài Loan trở về, anh tích lũy được 400 triệu đồng. Sau đó, anh xin tham gia XKLĐ Hàn Quốc (4 năm 10 tháng) và anh đã tích lũy được hơn 1,5 tỷ đồng. Tuổi đời 34, cầm trong tay số tiền gần 2 tỷ đồng có được từ sự quyết tâm lao động. Và tháng 7 vừa rồi, anh lại tiếp tục đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đăng ký XKLĐ ở Nhật Bản, anh đã trúng tuyển và sẽ xuất cảnh vào cuối tháng 11 này. Ngoài anh Hiếu còn nhiều lao động trở về có cuộc sống khá giả. Đến nay, ngoài đi XKLĐ nhiều lần, có người còn hướng anh em, vợ chồng đi XKLĐ như gia đình anh Trần Khánh Hùng, Trần Khánh Dư ngụ xã Định Yên, huyện Lấp Vò đã động viên anh em ruột, dâu, rể trong gia đình đi XKLĐ (tổng cộng 8 người cùng đi XKLĐ Malaysia).

XKLĐ sau 3 năm, 5 năm hay dài nhất là 12 năm rồi sẽ về nước. Ngoài việc mang về một số tiền tiết kiệm khá lớn, người lao động còn được nâng cao tay nghề, được làm việc trên các thiết bị sản xuất hiện đại, được rèn luyện về tác phong làm việc, ý thức kỷ luật, đồng thời được đào tạo về kỹ năng quản lý và biết thêm tiếng nước ngoài, sau khi về nước có nhiều cơ hội làm việc tại các doanh nghiệp (DN) trong nước và các DN có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các DN của Nhật Bản tại Việt Nam góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương...

Đi Malaysia, sau khi trừ chi phí thì thu nhập của người lao động còn khoảng 10 - 12 triệu đồng/tháng; tích lũy sau 3 năm khoảng 300 triệu đồng. Tương tự, đi Đài Loan sau khi trừ chi phí thì thu nhập còn khoảng 14 - 16 triệu đồng/tháng; đi Nhật Bản sau khi trừ chi phí, thu nhập được khoảng 28 - 34 triệu đồng/tháng; đi Hàn Quốc sau khi trừ chi phí thì thu nhập được khoảng 32 - 40 triệu đồng/tháng.

Chính sách khuyến khích hỗ trợ XKLĐ của tỉnh đã làm khởi sắc lại phong trào người lao động tham gia XKLĐ để có việc làm tốt, nâng cao thu nhập, mang về nguồn ngoại tệ dồi dào góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Điều này người Đồng Tháp đã thấy và đang hưởng ứng tích cực. Hiện nay Trung tâm Dịch vụ việc làm tiếp nhận trung bình khoảng 30 lao động/ngày đến đăng ký XKLĐ, đó là tính hiệu vui đối với Đồng Tháp.

Minh Tuyết

 

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn