“Thanh thủy vô ngư”

Cập nhật ngày: 23/12/2016 06:45:20

ĐTO - Trong một cuộc tranh luận về phòng, chống tham nhũng, khi tất cả nhất trí tình trạng tham nhũng hiện nay với muôn hình vạn trạng, thì về nguyên nhân có nhiều ý kiến khác nhau, như do suy nghĩ đã trở thành thâm căn cố đế của người Việt ta là có trước có sau, có trên có dưới, đầu xuôi đuôi lọt; do nhu cầu của con người là vô hạn, do lòng tham là bản chất vốn có của con người, do lương thấp, do pháp luật còn kẽ hở, do sự trừng phạt chưa đủ sức răn đe... Trong hàng loạt nguyên nhân được nêu ra, có người dẫn câu nói của người xưa: “Thanh thủy vô ngư”.

“Thanh thủy vô ngư”, theo nghĩa đen là nước trong thì không có cá ở, bởi sẽ bị kẻ thù hoặc con mồi phát hiện, do đó phải tìm nơi nước đục để sống; còn theo nghĩa bóng, có thể hiểu là anh sống trong sạch quá thì không ai chơi với anh, không được trọng dụng, hoặc sống trong môi trường trong sạch thì những chuyện xấu của anh sẽ bị chung quanh dễ dàng nhìn thấy, từ đó đi đến kết luận: đừng quá trong sạch (hay tỏ ra trong sạch) hoặc tìm cách làm cho tập thể, cộng đồng “vẩn đục” để dễ “thả câu”.

Thực tế cuộc sống cho thấy không ít người hiểu và làm như vậy, biểu hiện cụ thể là tự tha hóa, tự chuyển biến, từ một cán bộ mẫu mực, thanh liêm trở thành nhân tố gây mất đoàn kết nội bộ, thành tội phạm.

Nhưng thực tế cũng chứng minh điều ngược lại. Trong lịch sử dân tộc có không ít người treo ấn từ quan hoặc từ chối bổng lộc của triều đình, thực dân, đế quốc để ra khỏi vùng nước đục, giữ mình trong sạch, được nhân dân mãi ca ngợi, tôn vinh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt lên hàng đầu việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng và thường xuyên thực hành như “Ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong” và Người luôn là tấm gương mẫu mực.

Phải chăng cần thay câu “thanh thủy vô ngư” (để biện minh cho những hành vi sai trái Điều lệ Đảng, pháp luật Nhà nước, đạo đức dân tộc) thành “thanh thủy hữu ngư”. Mỗi người cùng tập thể, cộng đồng xây dựng môi trường sống và làm việc trong sạch, lành mạnh, góp phần phòng, chống tham nhũng... là những việc làm cụ thể để thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Hữu Ý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn