Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường

Cập nhật ngày: 27/09/2022 16:57:29

ĐTO - Sáng ngày 27/9, Đoàn giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách do ông Tô Hoàng Khương - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh làm Trưởng đoàn đã đến giám sát việc chấp hành pháp luật trong quản lý quy hoạch xây dựng của Sở Xây dựng và giám sát công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư; giải quyết khiếu nại trong thu hồi đất khi thực hiện dự án của Sở Tài nguyên và Môi trường, giai đoạn từ năm 2018 đến nay.


Đoàn giám sát Ban Kinh tế - Ngân sách tại buổi giám sát Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi Trường

Qua giám sát Sở Xây dựng cho thấy, công tác quản lý quy hoạch xây dựng cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đều tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật về quy hoạch; đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản hướng dẫn về quy hoạch xây dựng; phân cấp, lập, phê duyệt và ban hành quy chế quản lý kiến trúc trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn từ năm 2018 đến nay, công tác quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tích cực, tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung các đô thị trên địa bàn tỉnh đạt 100%; toàn tỉnh đã công nhận 21 đô thị trung tâm. Việc ban hành và phân cấp quy định quản lý quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh tạo công cụ quản lý hiệu quả, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, tránh chồng chéo giữa cơ quan quản lý cấp tỉnh và cấp huyện.

 Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện công tác quản lý quy hoạch xây dựng của Sở Xây dựng vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: chất lượng một số đồ án quy hoạch chưa cao, thiếu tầm nhìn dẫn đến việc phải điều chỉnh nhiều ( đến năm 2025, kế hoạch lập, điều chỉnh 26 đồ án, trong đó có 10 quy hoạch phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tế); một số địa phương tiến độ triển khai quy hoạch được duyệt còn chậm; chưa quan tâm công tác rà soát, cắm mốc giới quy hoạch theo quy định.   


Đại diện lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường giải trình các nội dung Đoàn giám sát quan tâm

Làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường, Đoàn giám sát đánh giá, công tác thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư; giải quyết khiếu nại trong thu hồi đất trên địa bàn tỉnh đều tuân thủ theo các quy định của pháp luật. Giai đoạn từ đầu năm 2018 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng các đơn vị có liên quan thẩm định 209 phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tổng diện tích thu hồi đất khoảng hơn 346ha.

Công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và giải quyết khiếu nại được quan tâm thực hiện, giải quyết thấu tình, đạt lý. Đặc biệt là công tác quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 cấp huyện, đã được UBND tỉnh phê duyệt 12/12 huyện, thành phố.

 Tuy nhiên, Sở Tài nguyên và Môi trường vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư còn nhiều sai sót; một số chính sách của tỉnh quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư chậm rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế; việc áp giá bồi thường thấp dẫn đến khiếu nại, trong đó có 70% khiếu nại về giá bồi thường; công tác phối hợp với các địa phương trong thẩm định thu hồi đất và quản lý đất đai chưa chặt chẽ; công tác công khai giá đất cho người dân có lúc, có nơi chưa đầy đủ…

Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đã trao đổi nhiều ý kiến, phân tích và cùng các đơn vị làm rõ nội dung các vướng mắc, khó khăn, nguyên nhân.


Ông Tô Hoàng Khương - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh phát biểu kết luận tại buổi giám sát

Phát biểu kết luận buổi giám sát, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh Tô Hoàng Khương đánh giá cao những nỗ lực và kết quả thực hiện nhiệm vụ của 2 đơn vị. Đồng thời yêu cầu các đơn vị tiếp tục nghiên cứu giải pháp khắc phục sớm những hạn chế nêu trên và tăng cường kiểm tra các ngành, địa phương trong công tác quy hoạch xây dựng; bồi thường, hỗ trợ tái định cư nhằm kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn; quan tâm bồi dưỡng nghiệp vụ công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho cơ quan làm công tác lập phương án bồi thường tái định cư; phối hợp với các ngành, địa phương rà soát các chính sách để bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.

K.N

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn