Câu chuyện ngày hội
Cập nhật ngày: 10/11/2020 15:47:05
Nhờ về dự "Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc" mà có dịp trở lại Cù Lao Tây thân thương mặc dù vị trí công tác đã khác. Ngày hội đem đến thật nhiều cảm xúc. Cảm xúc khi được gặp lại những người nông dân đôn hậu, chất phát, hào sảng. Cảm xúc khi được nghe những lời chia sẻ chân thành, mộc mạc, bình dị của những cư dân cù lao lộng gió. Cảm xúc khi chứng kiến những thay đổi của mảnh đất đầy tiềm năng nhưng còn nhiều gian khó này.
Mỗi xã Cù Lao đều bắt đầu bằng chữ "Tân". "Tân" nghĩa là mới mẻ, là tươi mới. Người Cù Lao, dù ở đầu trên hay đầu dưới, dù ở bờ bên này hay ở bờ bên kia đều sống chan hoà nghĩa xóm tình làng. Người Cù Lao, dù có đạo hay không có đạo, vẫn sống hoà hợp với nhau dọc theo hơn hai mươi cây số vòng quanh mảnh đất nằm giữa hai nhánh sông Tiền này. Ở Cù Lao này hôm nay đã khác ngày xưa lắm. Ngày xưa thì dòng sông Tiền đỏ quạch phù sa, nước ngọt dồi dào. Ngày xưa thì mưa thuận gió hoà, môi trường trong lành. Ngày xưa thì trên tôm dưới cá và biết bao sản vật thiên nhiên có sẵn quanh nhà. Tất cả là của ngày xửa ngày xưa, là trong ký ức của những lão nông tri điền, là trong những câu chuyện kể của người lớn tuổi quanh tách trà, ly rượu. "Bao giờ cho đến... ngày xưa" là chuyện không thể, mà vẫn có thể nếu có sự thay đổi trong cách nghĩ, cách làm của bà con mình.
Lời ta thán "ngày nay khó lòng như trước nữa" đến từ những ảnh hưởng, tác động do "thiên tai" mà cũng bởi tại "nhân tai". Biến đổi khí hậu làm cho thời tiết cực đoan hơn. Nước nôi ngày càng càng cạn kiệt, lượng phù sa ngày càng suy giảm. Dịch bệnh ngày càng thường xuyên, vừa trị được căn bệnh này thì lại xuất hiện căn bệnh khác. Cây trồng, vật nuôi mắc bệnh thì phải dùng thuốc, mà thuốc như một mê hồn trận, nếu lạm dụng thì sẽ ảnh hưởng sức khoẻ cho người tiêu dùng, cho chính người nông dân. Có một thời, mọi người đều suy nghĩ rằng muốn lợi nhuận cao thì sản lượng phải nhiều. Vậy là phải dùng nhiều chất tăng trưởng, tăng trọng, kể cả hoá chất độc hại, chi phí tăng dần qua từng mùa vụ; rồi lại phải vắt kiệt sức đất bằng những vòng quay mùa vụ không ngơi nghỉ. "Đất ghiền phân vô cơ như người ghiền á phiện". Thiệt đơn thiệt kép! Lo trước lo sau! Vậy là đã đến lúc không thể không thay đổi!
Thay đổi một thói quen nhỏ hàng ngày đã khó, thay đổi cả tập quán bao đời càng khó hơn. Nhiều người còn tin rằng định mệnh vốn đã an bài. "Trời sinh voi thì Trời sẽ sinh cỏ", nhưng thuốc diệt cỏ đã làm trụi nguồn thức ăn của "voi" và của cả con người rồi. Trong "cái khó ló cái khôn", người Cù Lao chủ động "tự cứu mình trước khi Trời cứu". Bà con không còn làm ăn riêng rẽ mà hợp tác với nhau. Bà con biết nghĩ đến người khác chứ không chỉ nghĩ cho riêng mình. Bà con quây quần bên nhau bàn chuyện cuộc sống sao cho hài hoà, chuyện làm ăn sao cho tử tế. Thật là ấm lòng!
Ngồi dự Ngày Hội, chợt nhớ đến hình ảnh bác Hồ bắt nhịp bài ca Kết đoàn và lời nói của Người năm xưa: "Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp lao động khác", "Việc Nước là việc chung của cả dân chúng chứ không phải việc một hai người". Đại đoàn kết quyết định vận mệnh của cả dân tộc, nhưng bắt đầu từ những cộng đồng nhỏ, là cộng hưởng sức mạnh từng cá nhân cố kết thành sức mạnh xã hội. Đại đoàn kết khởi đầu từ lối sống khoan dung thay cho hẹp hòi, yêu thương nhau thay cho tị hiềm, nhường nhịn thay cho hơn thua. Sống để làm gì mà con người không có tình cảm, không còn biết yêu thương nhau, gần nhau mà như người xa lạ, cùng huyết thống mà xem như người dưng nước lã. Đại đoàn kết đơn giản chỉ là: "Thương người như thể thương thân". Khi đã yêu thương nhau thì vui cái vui của nhau, buồn cái buồn của nhau, không phân biệt người có đạo hay không có đạo, giàu hay nghèo, già hay trẻ, nam hay nữ, cán bộ hay người dân. Khi yêu thương nhau thì chòm xóm láng giềng "tối lửa tắt đèn có nhau". Khi yêu thương nhau thì biết "chín bỏ làm mười", không để "cái sẩy nẩy cái ung".
Đại đoàn kết là chuyện lớn của cộng đồng, của dân tộc. Nhưng, đại đoàn kết cũng gần gũi, đời thường lắm. Đó là đừng để góc bếp nhà ai nguội lạnh. Đó là đừng để một ai tổn thương vì bị xa lánh. Đó là không để người dân mặc cảm "chiếu trên chiếu dưới", bị phân biệt đối xử, bị bỏ lại phía sau trên con đường phát triển. Đại đoàn kết là hãy cùng nhau trồng thêm cây xanh, luống hoa để tạo môi trường trong lành, làm cho tâm hồn con người thư thái.
Rồi mai đây, những con đường làng sẽ được thông thoáng hơn. Rồi mai đây, một thị tứ khang trang nằm trên con rạch Mã Trường sẽ trở thành trung tâm của một cù lao. Rồi mai đây, vùng đất này sẽ trở thành một cù lao sinh thái, sẽ là hình mẫu cho một nông thôn mới, một làng quê đáng sống, đáng tìm đến và đáng trở về. Ngày ấy không xa nếu người Cù lao luôn cùng nhau ca bài ca "Kết đoàn" mà bác Hồ đã bắt nhịp năm xưa. "Sông nước quê em sáng lớn trưa ròng" nhưng hồn người vẫn luôn đong đầy tình yêu thương, yêu mình, yêu người, yêu làng quê Cù Lao Tây thân thương này.
Xích Lô