Câu chuyện về người lính Cụ Hồ anh dũng, giỏi giang

Cập nhật ngày: 24/07/2017 09:07:17

ĐTO - Người lính đặc công Võ Văn Bửu (sinh năm 1948 ngụ ấp An Thọ, xã An Phước, huyện Tân Hồng) trở lại đời thường với đôi bàn tay trắng cùng tỷ lệ thương tật 73%. Thế nhưng, với nghị lực phi thường và những phẩm chất cao quý của Bộ đội Cụ Hồ, cựu chiến binh (CCB) Võ Văn Bửu đã từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống.


Cựu chiến binh Võ Văn Bửu thắp nhang lên bàn thờ Bác Hồ, bác Võ Nguyên Giáp.  
Ảnh: P.LỘC

Người lính đặc công 5 lần bị thương

Cách đây 54 năm, CCB Võ Văn Bửu (quê gốc tỉnh Trà Vinh) đã cùng với bao lớp thanh niên cả nước hăng hái lên đường nhập ngũ, tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Với sức trẻ căng tràn, đầy nhiệt huyết của chàng thanh niên tuổi 15, Võ Văn Bửu xung phong đi làm lính đặc công ở tỉnh Trà Vinh. Theo lời kể của chú Bửu, nhiệm vụ của lính đặc công hết sức đặc biệt, nơi nào mà lực lượng bộ binh không thể tiếp cận, không đánh được thì khi đó những người lính đặc công phải vào cuộc.

Chia sẻ về quyết định nhập ngũ thời đó, chú cho biết: “Thời điểm lửa binh loạn lạc, phong trào sôi nổi, hăng hái nên tôi cùng thanh niên đồng trang lứa xung phong lên đường. Làm lính đặc công đặc biệt nguy hiểm, sống chết không biết khi nào. Nhưng khi tham gia làm nhiệm vụ rồi thì chẳng còn biết sợ nữa...”.

Trong khoảng thời gian hơn 12 năm công tác ở lực lượng đặc công, chú Bửu tham gia nhiều trận đánh, phá nhiều đồn giặc mở đường cho lực lượng bộ binh. Và, cũng không ít lần chú bị thương.

Đã 54 năm trôi qua, nhưng ký ức về những trận đánh năm xưa vẫn như hiện hữu trong tâm trí người CCB sắp bước sang tuổi 70. Tháng 1/1968 (Mậu Thân), chú cùng đồng đội tham gia trận đánh phá đồn giặc ở xã Nhị Long (huyện Càng Long, Trà Vinh). Trong quá trình giao chiến, chú Bửu không may bị trúng đạn và bị gãy xương đùi phải. “Lúc trúng đạn tôi chẳng sợ đau, cũng không sợ chết mà chỉ sợ mình không thể chiến đấu được nữa. Nhưng may mắn là tôi vẫn chưa tàn phế” – CCB Võ Văn Bửu nhớ lại.

Sau lần đó, chú Bửu được nghỉ an dưỡng 6 tháng rồi tiếp tục quay lại chiến trường. Theo lời kể của CCB Võ Văn Bửu, thời tham gia kháng chiến chống Mỹ, chú có đến 5 lần bị thương gồm: 2 lần gãy xương chân phải, 1 lần gãy chân trái, 1 lần gãy xương vai và 1 lần thủng ruột. Nhưng bấy nhiêu đó vẫn không làm tắt đi ý chí ngoan cường của người lính đặc công. Để rồi, chú vẫn gắn bó với nhiệm vụ đặc công cho đến ngày đất nước thống nhất và vinh dự được Nhà nước phong tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì vào năm 1975.

Đứng lên bằng đôi chân thương tật

Đất nước thống nhất, chú Bửu trở lại cuộc sống đời thường với 49 vết thương lớn nhỏ, mang trong người 7 miểng đạn, đôi chân bị thương tật và được xếp loại thương binh 2/4. Năm 1983, chú Bửu kết hôn với bà Phạm Thị Bé Hai (SN 1957). Lần lượt 2 đứa con ra đời cũng là lúc kinh tế gia đình chú lâm vào cảnh khốn khó.

Với số tiền trợ cấp ít ỏi nên dù cơ thể không còn lành lặn, chú Bửu vẫn tích cực lao động, làm thuê đủ việc. Thế nhưng cuộc sống cứ thiếu trước hụt sau. Quyết không đầu hàng trước nghèo đói, năm 1990, chú rời quê lên vùng biên giới Tân Hồng (tỉnh Đồng Tháp) lập nghiệp. Nhờ sự giới thiệu của họ hàng, chú Bửu mạnh dạn mua 5ha đất ruộng với điều kiện hoàn tiền sau 1 năm.

Chú Bửu kể: “Khi đó, vợ tôi cũng không đồng ý mua đất vì sợ tôi thương tật không lao động nổi. Đất ruộng lúc đó cũng cằn cỗi, không biết canh tác có hiệu quả không. Nếu thất bại, nợ nần làm sao mà trả được. Nhưng tôi quyết tâm và thuyết phục vợ. Cuối cùng bà cũng đồng ý”.

Với đức tính hiền lành, chịu thương chịu khó, gia đình chú Bửu được bà con chòm xóm nơi ở mới giúp đỡ cất được căn chòi nhỏ. Hằng ngày, vợ chồng chú lao động, cải tạo đất và bắt đầu xuống giống. Sau 2 mùa vụ, nhờ siêng năng chăm bón nên năng suất lúa khá cao, chú tích góp trả được tiền mua đất. Năm 1993, Nhà nước chủ trương chuyển 2 vụ lúa sang làm 3 vụ/năm. Ngoài lao động sản xuất, chú Bửu còn tranh thủ thời gian để chài cá, đặt lọp...

Sau nhiều năm cần cù lao động, tiết kiệm, gia đình chú Bửu cất được căn nhà khang trang. Đầu năm 2016, gia đình mua thêm được 1ha đất ruộng. Hiện với 6ha đất canh tác lúa, mỗi năm gia đình chú thu nhập trên 100 triệu đồng. Nhờ nghị lực vươn lên làm kinh tế giỏi, nuôi con tốt, CCB Võ Văn Bửu vừa vinh dự được UBND tỉnh tặng Bằng khen cho người có công với cách mạng tiêu biểu.

CCB Võ Văn Bửu chia sẻ: “Dù ảnh hưởng của những vết thương, miểng đạn mà nhiều lúc trái nắng trở trời, người tôi đau ê ẩm, có lúc không gượng dậy được. Nhưng là trụ cột trong gia đình, tôi tự nhủ phải cố gắng làm kinh tế, lo cho tương lai của con. Tôi phải chứng minh rằng mình “tàn nhưng không phế”. Giờ nhìn thấy các con học hành chăm ngoan, thành tài tôi vui mừng lắm!”.

Mong muốn trả ơn cuộc đời

Khi cuộc sống ổn định, chú Bửu bắt đầu tham gia vào các hoạt động nhân đạo của địa phương. Bởi chú luôn nhớ rằng, trong lúc mình khó khăn cũng đã nhận được nhiều sự giúp đỡ của người khác. Gần chục năm nay, mỗi năm chú Bửu đều ủng hộ vài triệu đồng cho Quỹ Khuyến học và Quỹ vì người nghèo của xã. Ngoài ra, chú còn nhận hỗ trợ cho 14 hộ nghèo, người già neo đơn trên địa bàn với số tiền 200 ngàn đồng/người/năm.

Chia sẻ về việc làm nhân đạo của mình, CCB Võ Văn Bửu tâm sự: “Mình là một trong những người lính may mắn trở về khi đất nước thống nhất. Bởi, biết bao nhiều người đã nằm xuống để dành độc lập cho đất nước. Do vậy, tôi nghĩ phải biết trân trọng cuộc sống, vươn lên và sống có ích cho xã hội, tích cực tham gia giúp đỡ những người còn khó khăn”.

Không chỉ tích cực tham gia hoạt động thiện nguyện, CCB Võ Văn Bửu còn thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” bằng việc lập bàn thờ Bác Hồ, Bác Giáp và những người lính đã hy sinh trong công cuộc cứu nước. “Trong tôi, Bác Hồ là bậc “thánh nhân” vì suốt đời cống hiến cho sự nghiệp cứu nước mà quên đi bản thân mình. Bác Giáp là người có công lớn trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ giành độc lập nên có thể gọi là “thần nhân”. Giờ đất nước thanh bình, chúng ta được hưởng niềm vui độc lập nên cần phải thể hiện sự ghi nhớ công ơn ấy...” – CCB Võ Văn Bửu chia sẻ.

LÊ THANH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn