Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đóng góp ý kiến dự thảo luật

Cập nhật ngày: 26/05/2020 15:23:57

ĐTO - Ngày 26/5, tiếp tục chương trình kỳ họp lần thứ 9 của Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.


Các đại biểu tham dự kỳ họp lần thứ 9 của Quốc hội tại điểm cầu Đồng Tháp

Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Tháp có 2 đại biểu tham gia thảo luận là ông Phạm Văn Hòa, bà Nguyễn Thị Mai Hoa.

Tham gia thảo luận tại điểm cầu Đồng Tháp, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, về tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách và số lượng ĐBQH nên có ít nhất 40% tổng số ĐBQH nhằm tăng cường tính chuyên nghiệp, góp phần quan trọng cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, tổng số ĐBQH không quá 500 người như Luật hiện hành.

Mặt khác, nên giảm đại biểu kiêm nhiệm công tác ở cơ quan hành pháp, công an, quân sự để tăng đại biểu chuyên trách trung ương, địa phương, có tỷ lệ cần thiết tối đa 5% cho chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, người có kinh nghiệm hoạt động đại biểu sắp đến tuổi nghỉ hưu, nhưng còn đủ sức khỏe năng lực tham gia ứng cử ĐBQH hoạt động chuyên trách mà không giữ chức vụ lãnh đạo quản lý, độ tuổi không quá 66 để đảm bảo sức khỏe hoạt động đủ nhiệm kỳ.

Về chuyển sinh hoạt ĐBQH khoản 1, Điều 38, đại biểu Hòa tán thành giao cho UBTVQH cân nhắc thận trọng, không nên quy định ĐBQH đương nhiên chuyển sinh hoạt đến Đoàn ĐBQH khi chuyển công tác. Thực tế hiện nay có những Đoàn ĐBQH chỉ còn 1 người ở địa phương còn lại là của Trung ương do điều động công tác, làm mất cân đối về số lượng đại biểu giữa các địa phương với nhau, cho nên cân nhắc khi chuyển đại biểu sang địa phương khác công tác.

Về ĐBQH hoạt động chuyên trách ở địa phương (Trưởng đoàn hoặc Phó trưởng đoàn), theo đại biểu Hòa, không nên Luật hoá về địa vị pháp lý nhưng đề nghị giao cho UBTVQH bổ sung quy định cụ thể về nhiệm vụ quyền hạn, mối quan hệ của đại biểu chuyên trách, Trưởng đoàn hoặc Phó Trưởng đoàn chuyên trách với địa phương cho rõ ràng vì Luật hiện hành chưa cụ thể hoá mối quan hệ này.

Tham gia thảo luận tại điểm cầu chính Nhà Quốc hội ở Hà Nội, theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, ĐBQH chuyên trách địa phương có vai trò rất quan trọng, quyết định hiệu quả hoạt động của Đoàn ĐBQH tại địa phương. Vì vậy, bên cạnh việc bổ sung quy định giao cho UBTVQH quyết định số lượng, phê chuẩn danh sách ĐBQH chuyên trách như đã thể hiện trong khoản 3a Điều 43 dự thảo Luật, cần bổ sung nguyên tắc giao cho UBTVQH quy định, hướng dẫn về tiêu chuẩn ĐBQH chuyên trách.  

Về trách nhiệm của ĐBQH chuyên trách tham gia hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Mai Hoa đồng tình việc quy định rõ thêm trách nhiệm của UBTVQH trong việc triệu tập, tổ chức Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách; Tuy nhiên, cần xác định tính pháp lý cho hội nghị này, nên bỏ điều kiện “căn cứ vào yêu cầu, tình hình thực tiễn” trong khoản 7, Điều 47. Ngoài ra, đại biểu Mai Hoa đề nghị bổ sung thêm nhiệm vụ của UBTVQH như quyết định hình thức họp phiên toàn thể của Quốc hội phù hợp với điều kiện thực tiễn.


Ông Phạm Văn Hoà - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp phát biểu ý kiến thảo luận

Buổi chiều cùng ngày, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư (sửa đổi). Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư (sửa đổi).

Tham gia thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa thống nhất phương án 2 trong dự án Luật không quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ tại điểm h khoản 1 Điều 6 mà thực hiện theo Luật hiện hành, đồng thời đổi tên gọi là “kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ” cho nhẹ nhàng hơn. Nếu thực hiện theo phương án 1 nghe qua hợp lý nhưng chưa thoả đáng, không thể ngành nào nhà nước khó quản lý là cấm kinh doanh, mà nên tạo điều kiện để nhà nước quản lý theo quy định pháp luật sẽ dễ dàng hơn, thực tế cấm mà nhu cầu xã hội cần thì vẫn tồn tại trá hình, lúc đó mới khó quản lý. Tuy nhiên cần phải quy định điều kiện chặt chẽ hơn hiện nay, ràng buộc hơn, quy trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân có liên quan nếu thu hồi nợ theo kiểu xã hội đen, vi phạm pháp luật phải bị xử lý nghiêm. Có như thế sẽ hạn chế thấp nhất tình trạng phức tạp như hiện nay.

Về ngành nghề ưu đãi đầu tư và địa bàn ưu đãi đầu tư tại Điều 17, đại biểu Hòa đề nghị Chính phủ cần có quy định chi tiết danh mục phải bảo đảm nguyên tắc thu hút đầu tư có chọn lọc, phù hợp quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn, tránh áp dụng tràn lan vì ưu đãi đầu tư có thời hạn, trên cơ sở kết quả dự án, các ngành nghề này luôn có khả năng tạo ra giá trị tăng cao, được ưu đãi sẽ thúc đẩy hoạt động hiệu quả, tạo việc làm và nguồn thu cho ngân sách.

Thanh Trúc

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn