Đẩy mạnh truyền thông trong xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Cập nhật ngày: 06/07/2022 05:37:17

ĐTO - Sáng qua (5/7), Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) và Tái cơ cấu ngành nông nghiệp (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 – 2025 tổ chức họp báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ quý III/2022. Tham dự cuộc họp có ông Lê Quốc Phong – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, Trưởng Ban Chỉ đạo cùng các thành viên trong Ban Chỉ đạo.


Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Theo Ban Chỉ đạo, trong những tháng đầu năm, toàn tỉnh có 6 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM và 10 xã được công nhận xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao năm 2021. Hiện, toàn tỉnh có 103 xã đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM, còn lại 2 xã đạt 15 tiêu chí và 10 xã đạt từ 16 - 18 tiêu chí; có 3 đơn vị hoàn thành nhiệm vụ NTM là: TP Sa Đéc, TP Cao Lãnh và TP Hồng Ngự, 2 huyện đạt chuẩn NTM là Tháp Mười và Cao Lãnh.

Về Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ước giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản (giá so sánh năm 2010) 6 tháng đầu năm 2022 đạt 20.850 tỷ đồng, tăng 0,04% so cùng kỳ (tương đương tăng 8,6 tỷ đồng) và bằng 98,83% kế hoạch 6 tháng đầu năm, chiếm 44,07% kế hoạch năm 2022. Ước giá trị tăng thêm 6 tháng đầu năm đạt 9.113 tỷ đồng, giảm 0,45% so cùng kỳ (tương ứng giảm 41,46 tỷ đồng) và bằng 99,68% kế hoạch 6 tháng đầu năm, chiếm 44,36% kế hoạch năm.

Trong những tháng đầu năm, công tác dự báo được ngành nông nghiệp chú trọng, thông tin kịp thời đến người dân. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ được nhân rộng, công tác hỗ trợ người dân sản xuất và tiêu thụ nông sản được tập trung thực hiện. Ngành nông nghiệp cũng tiếp tục thúc đẩy triển khai các giải pháp tái cơ cấu ngành đi vào chiều sâu, phát triển cây trồng, vật nuôi an toàn, bền vững; tập trung phát triển các ngành hàng chủ lực theo chuỗi giá trị, hình thành các vùng sản xuất có quy mô, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, đặc biệt chú trọng xây dựng và quảng bá thương hiệu, chỉ dẫn địa lý đáp ứng theo tiêu chuẩn cao VietGAP, GlobalGAP... Đồng thời nhân rộng các mô hình tiên tiến trong sản xuất, quản lý dịch bệnh, giảm chi phí giá thành, tăng chất lượng sản phẩm; tiếp tục hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có lợi ích kinh tế cao, đổi mới tổ chức sản xuất...

Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 265 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 4 sao (trong đó có 61 sản phẩm đạt 4 sao và 204 sản phẩm đạt 3 sao)...

Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của các sở, ngành thành viên trong Ban Chỉ đạo.

Trong định hướng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong đề nghị các sở, ngành thành viên rà soát lại từng hoạt động đề ra nhằm triển khai hiệu quả trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM và tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó, phải chú ý phân công, triển khai cụ thể theo từng nhiệm vụ của từng thành viên; quan tâm, tăng cường dự báo thị trường, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông sản đang chuẩn bị vào chính vụ, tránh tình trạng ùn ứ nhằm giúp nông dân nâng cao thu nhập. Đối với các ngành hàng chủ lực, phải triển khai tốt các kế hoạch đề ra. Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu các sở, ngành thành viên phải đề ra giải pháp cụ thể trong thực hiện đánh giá thực trạng về môi trường và duy trì các thiết chế văn hóa tại các xã NTM. Đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM và Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, kể cả Chương trình OCOP...

Khánh Phan

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn