Nghĩ về một lời dạy của Bác Hồ

Cập nhật ngày: 17/05/2019 13:15:41

Sinh thời Bác Hồ luôn dạy cán bộ, đảng viên về nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Trải mấy chục năm qua, lời dạy của Bác từ thời kháng chiến cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị, thậm chí càng nóng bỏng hơn.

Dễ hiểu, thời kháng chiến mỗi người chỉ vài bộ quần áo, tấm ni long trải ngủ, một tấm che mưa, mỗi tháng được cấp sanh hoạt phí ít ỏi, sống xa gia đình, mặc tình chuyện nhà cho vợ con tự bươn chải, ngày ngày va chạm với bom đạn, chết chóc, thương tật, cùng sống, cùng gian khổ nên tình đồng chí gắn bó, đậm đà, lo cho cái chung chẳng nghĩ gì đến bản thân mình.

Ngày nay đã khác. Đất nước hòa bình, Đảng ta là Đảng cầm quyền. Cán bộ, đảng viên có chức, có quyền, không ít người lợi dụng chức quyền để vun vén cho mình, gia đình mình. Môi trường xã hội là điều kiện tốt cho chủ nghĩa cá nhân có cơ hội phát triển. Họ chỉ nghĩ đến nhà cao cửa rộng, thu vô tiền tỉ, đời sống xa hoa. Họ chẳng khi nào nhớ đến lời dạy của Bác Hồ, mặc dù Đảng ta có nhiều Nghị quyết về đấu tranh chống tham nhũng, phát động học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, mỗi năm đưa ra một chuyên đề để học tập, rèn luyện theo gương Bác. Đến độ Đảng ta phải “đốt lò lên” đốt những kẻ thoái hóa, biến chất, phản bội lại lý tưởng cao đẹp của Đảng. Đau xót lắm, nhưng không cách gì hơn để bảo vệ Đảng ta trong sạch lành mạnh.

Nhân dịp kỷ niệm ngày sinh của Bác, chúng ta xin ôn lại những lời dạy của Bác về chống chủ nghĩa cá nhân, tham ô, lãng phí, quan liêu.

Về chủ nghĩa cá nhân, Bác viết: “Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể “miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”. Nó là mẹ đẻ ra mọi tính hư nết xấu như: lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô... Nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng, chủ nghĩa xã hội”.

Nói về nguồn gốc chủ nghĩa cá nhân, Bác cho nó là sản phẩm của xã hội phân chia giai cấp, người bóc lột người: chế độ nô lệ, phong kiến, tư bản: “Sinh trưởng trong xã hội cũ, chúng ta ai cũng mang trong mình hoặc nhiều hoặc ít vết tích xấu xa đó về tư tưởng, về thói quen... Vết tích xấu nhất và nguy hiểm nhất của xã hội cũ là chủ nghĩa cá nhân”. Và Bác viết: “Tham ô, lãng phí, quan liêu là những xấu xa của xã hội cũ. Nó do lòng tự tư tự lợi, ích kỷ hại nhân mà ra. Nó do chế độ “Người bóc lột người” mà ra”. “Thực dân và phong kiến tuy bị tiêu diệt, nhưng các tật xấu của nó (tham ô, lãng phí, quan liêu) vẫn còn”.

Nói đến bọn tham ô (ngày nay ta gọi là tham nhũng) Bác dùng những từ rất nặng: “Tham ô là trộm cướp”. “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và Chính phủ”. “Nó là kẻ thù khá nguy hiểm. Vì nó không mang gươm, mang súng, mà nó nằm ngay trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta. Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu dù cố ý hay không cũng là bạn đồng minh của thực dân và phong kiến...”. “Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ “giặc ở trong lòng””.

Thứ giặc ở trong lòng mỗi người, mỗi tổ chức cách mạng nầy chúng ta rất khó thấy. Vì nó ẩn trong vỏ bọc đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp, là thủ trưởng, chỉ huy... nên khó phát hiện và không ít người ngại phê bình, đấu tranh, vì sợ trù dập, biết đó nhưng vẫn lặng thinh, an phận. Vì yêu Đảng, yêu lý tưởng Cộng sản, yêu chế độ, yêu Tổ quốc nầy đòi hỏi mỗi chiến sĩ, cán bộ, đảng viên, người dân phải có dũng khí để đấu tranh. Đó là như Bác dạy: “Giàu sang không cám dỗ. Nghèo nàn không chuyển lay. Uy vũ không khuất phục”. Việc thường xuyên trau dồi đạo đức cách mạng, Bác dạy: “Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng...”. Giữa đức và tài, Bác cho “Đức là gốc”. “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Bản thân Bác là một tấm gương sáng tuyệt vời về đạo đức cách mạng.

Nhớ Bác, ôn lại những lời dạy của Bác, làm theo lời Bác là tình cảm, là trách nhiệm của mỗi chúng ta. Đừng để hổ thẹn vì ta không xứng đáng là con cháu Bác.

NGUYỄN ĐẮC HIỀN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn