Quy định điểm, trừ điểm giấy phép lái xe là biện pháp quản lý nhà nước văn minh

Cập nhật ngày: 22/05/2024 16:33:35

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) cho rằng, quy định điểm, trừ điểm giấy phép lái xe vừa nhân văn (không tước ngay quyền lái xe, ảnh hưởng sinh kế của người dân), vừa đảm bảo yêu cầu quản lý.


Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) (Ảnh: VIẾT CHUNG)

Chiều 22/5, thảo luận về dự án Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ tại hội trường Quốc hội, ĐB Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho biết, ông đã thay đổi quan điểm về việc quy định ngưỡng nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

“Kỳ 6, tôi đề nghị không nên quy định ngưỡng bằng 0, mà có mức độ nào đó hoặc tiến hành trắc nghiệm để kiểm tra độ tỉnh táo của người điều khiển phương tiện giao thông. Nhưng bây giờ, sau khi tham gia đám cưới tại quê nhà, tôi thấy quy định bằng 0 có khi lại đúng”, ĐB bày tỏ phân vân. Tuy nhiên, theo ông Huân, cả 2 phương án đều có vẻ cảm tính, đề nghị ban soạn thảo bổ sung thêm cơ sở khoa học.


Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) (Ảnh: VIẾT CHUNG)

Tán thành quy định cấm sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, song ĐB Trần Khánh Thu (Thái Bình) đề nghị Bộ Y tế cần quy định rõ phương pháp xét nghiệm, hướng dẫn xử lý khi xảy ra trường hợp người tham gia giao thông không uống rượu bia nhưng vẫn có nồng độ cồn trong máu, khí thở.

Nữ ĐB cũng lưu ý về việc cần có quy định về đường chuyên dùng để vượt trên đường cao tốc trong bối cảnh ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người đi đường chưa cao; nhiều trường hợp không nhường đường, khiến cho việc vượt xe trở nên khó khăn, mất an toàn.

“Ngay cả khi chưa thể thiết kế đường vượt ngay thì cũng nên có quy định, để khai thác hiệu quả, an toàn đường cao tốc”, ĐB nói.


Đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) (Ảnh: VIẾT CHUNG)

ĐB Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) bày tỏ quan tâm đến quy định về tước giấy phép lái xe. ĐB nhận định, bổ sung quy định về điểm, trừ điểm giấy phép lái xe trong dự thảo Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ là cần thiết. Theo ĐB, quy định điểm, trừ điểm giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý nhà nước văn minh, hiện đại để quản lý quá trình chấp hành pháp luật của lái xe; vừa nhân văn (không tước ngay quyền lái xe, ảnh hưởng sinh kế của người dân), vừa đảm bảo yêu cầu quản lý. Nhưng khi bị trừ hết điểm, người lái xe phải thi lại thì không nên giao cho Bộ Công an kiểm tra, mà nên giao cho Bộ GTVT để đảm bảo tính đồng bộ trong phân cấp, phân quyền quản lý.


Quang cảnh hội trường Diên Hồng chiều 22/5 (Ảnh: VIẾT CHUNG)

Bày tỏ thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo Luật, song ĐB Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) đề nghị giải thích rõ cụm từ “lái xe liên tục”; “giao thông đường bộ” để các cơ quan chức năng có căn cứ chặt chẽ áp dụng pháp luật. ĐB Thông giải thích, thực tế đã có một số vụ tai nạn xảy ra trên các tuyến đường nội bộ trong khu công nghiệp, khu dân cư, doanh nghiệp mà cơ quan có thẩm quyền không có căn cứ rõ ràng để xác định vụ việc là tai nạn giao thông hay tai nạn nghề nghiệp.

Về các hành vi bị nghiêm cấm, ĐB Nguyễn Hữu Thông đề nghị bổ sung vào khoản 20, Điều 10 về hành vi làm rơi vãi, xả thải các loại hóa chất, chất thải nguy hại trên đường bộ, gây hư hại, ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông và sự an toàn của người tham gia giao thông.

Theo báo cáo của Chính phủ, mỗi năm cơ quan chức năng tước có thời hạn trên 500.000 giấy phép lái xe. Khi bị tước, người lái xe không được phép điều khiển phương tiện, dẫn đến tác động không nhỏ đến các hoạt động đi lại, lao động, sản xuất kinh doanh, đời sống hàng ngày của người dân.

Theo ANH PHƯƠNG (SGGP)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn