Tạo khí thế sôi nổi góp phần đạt và vượt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội

Cập nhật ngày: 02/10/2020 09:38:22

ĐTO - UBND tỉnh, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh xác định rõ nhiệm vụ của phong trào thi đua yêu nước, sự đồng hành tham gia các phong trào thi đua của tập thể, cá nhân là một trong những đóng góp quan trọng, góp phần thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, các mục tiêu, chỉ tiêu, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân. Để hiểu thêm những đổi mới, kết quả đạt được trong phong trào thi yêu nước của tỉnh trong thời gian qua, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng (TĐ-KT) tỉnh.

Phóng viên: Thưa ông, ông có thể cho biết thời gian qua, công tác lãnh chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác TĐ-KT được thực hiện ra sao? Những đổi mới, tiến bộ của công tác TĐ-KT tạo ra không khí, phấn đấu thi đua sôi nổi giữa các cơ quan, đơn vị như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Dương: Tiếp tục hưởng ứng lời kêu gọi từ Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Đồng Tháp lần thứ V và Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX, tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 134/KH-UBND ngày 8/9/2014 về thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 24/CT-UBND về phát động phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 và giai đoạn 5 năm (2011 - 2015) theo Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ IX Đảng bộ Đồng Tháp đề ra. Mỗi năm, UBND tỉnh tổ chức phát động phong trào thi đua yêu nước thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng hằng năm và 5 năm (2016- 2020) góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ IX Đảng bộ tỉnh. UBND tỉnh, Hội đồng TĐ-KT tỉnh xác định rõ nhiệm vụ thi đua phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu: tốc độ tăng trưởng kinh tế, tổng thu ngân sách trên địa bàn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo, giảm tỷ suất sinh, số lao động được giải quyết việc làm... Từ năm 2016 đến nay, UBND tỉnh đã phát động 63 phong trào thi đua chuyên đề lập thành tích chào mừng các ngày lễ, kỷ niệm lớn hằng năm.

Hiện tại, tỉnh Đồng Tháp có 18 Khối, Cụm thi đua (15 Khối và 3 Cụm) với 184 cơ quan, đơn vị, địa phương trực thuộc tham gia. Việc phân chia Khối, Cụm thi đua phù hợp với đặc điểm, tính chất hoạt động và nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong cùng một Khối, Cụm thi đua; hoạt động các Khối, Cụm thi đua đã từng bước đi vào nề nếp, hiệu quả; việc ký kết giao ước thi đua, đăng ký danh hiệu thi đua ở từng Khối, Cụm thi đua được thực hiện một cách nghiêm túc, thường xuyên. Hội đồng TĐ-KT các cấp và đội ngũ cán bộ chuyên trách (kiêm nhiệm) làm công tác TĐ-KT từ tỉnh đến cơ sở được bổ sung, kiện toàn, củng cố; được tập huấn, hướng dẫn về nghiệp vụ và có sự phân công theo dõi, chỉ đạo phong trào nên đã làm tốt công tác tham mưu cho các cấp lãnh đạo, đưa công tác TĐ-KT dần đi vào nề nếp và có bước phát triển mới.


Ông Phạm Thiện Nghĩa (đứng thứ 6 từ phải sang) – Phó Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2018

Phóng viên: Việc hưởng ứng các phong trào thi đua do Trung ương phát động trên các lĩnh vực đã đạt được những kết quả ra sao? Những thay đổi đó đã mang lại những chuyển biến tích cực nào đối với đời sống người dân?

Ông Nguyễn Văn Dương: Trong giai đoạn 2016-2020, phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đã đạt một số chỉ tiêu cơ bản như: Đến cuối năm 2020 dự kiến sẽ có 98 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 83,76% (vượt chỉ tiêu chung 65% của toàn quốc, vượt so chỉ tiêu 51% của kế hoạch tỉnh). Trong đó có 37 xã điểm giai đoạn 2016-2020 được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 100% kế hoạch của tỉnh). Phong trào thi đua “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, cải tiến công nghệ. Đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước theo hướng cổ phần hóa hoặc chuyển đổi mô hình thích hợp để kinh doanh có hiệu quả theo cơ chế thị trường; tạo cơ hội cho doanh nghiệp khu vực tư nhân phát triển. Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã hỗ trợ hàng ngàn lượt hộ nghèo về vốn, tư liệu sản xuất; hỗ trợ hàng trăm công trình dân sinh (trường học, trạm xá, cầu dân sinh, đường giao thông nông thôn...); vận động trên 52.000 thẻ bảo hiểm y tế cấp cho hộ cận nghèo. Tổng kinh phí vận động trong 3 năm 2017-2019, tiền mặt và quà quy ra tiền trên 102 tỷ đồng; đã hỗ trợ cho trên 320.000 lượt hộ. UBND tỉnh trích ngân sách và vận động các tổ chức, cá nhân thăm, tặng quà Tết với số tiền 36.757 triệu đồng cho 106.569 lượt hộ nghèo và 154.432 đối tượng bảo trợ xã hội...

Phóng viên: Thưa ông, được biết tốc độ tăng trưởng kinh tế, thương mại - dịch vụ, xây dựng nông thôn mới, cải cách hành chính, an sinh xã hội của tỉnh Đồng Tháp đạt được những kết quả nổi bật. Qua đó đã phát hiện, bồi dưỡng, xuất hiện những cá nhân điển hình tiên tiến, ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?

Ông Nguyễn Văn Dương: Trong giai đoạn qua, tình hình kinh tế có bước phát triển khá toàn diện, quy mô nền kinh tế ngày càng được mở rộng, ước năm 2020 đạt gần 87.300 tỷ đồng, tăng 1,53 lần so với năm 2015, xếp vào hàng khá của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 5 năm (2016 - 2020) ước đạt 6,44%/năm (theo giá so sánh năm 2010), đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) trong GRDP khoảng 21,27%.

Đến cuối năm 2020, GRDP bình quân đầu người ước đạt 54,5 triệu đồng (tương đương 2.292 USD), gấp 1,55 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực 2 và khu vực 3. Xã hội tiếp tục được duy trì ổn định, đời sống Nhân dân ngày càng được nâng cao, nhiều mô hình sản xuất mới được hình thành, thay đổi cơ bản về phát triển kinh tế nông nghiệp, từng bước nâng cao thu nhập của người dân. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 47 triệu đồng (trong đó, khu vực thành thị là 51 triệu đồng, khu vực nông thôn là 45,6 triệu đồng), hình ảnh địa phương được cải thiện đáng kể.


Ông Đoàn Tấn Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh (bìa trái) biểu dương, khen thưởng điển hình tiên tiến ngành giáo dục và đào tạo

Đồng Tháp đã triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp với nội dung “Hợp tác - Liên kết - Thị trường” và “Giảm chi phí - Tăng chất lượng - Chế biến tinh” đã mang lại nhiều kết quả thiết thực trong phát triển kinh tế nông thôn, từ đó, góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 45,6 triệu đồng (bằng 83% GRDP bình quân đầu người). Các chính sách hỗ trợ người nghèo ngày càng đi vào thực tế, thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ học nghề, tạo việc làm, phát triển ngành nghề nông thôn, vay vốn, hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,28% (tương đương mức giảm 1,74%/năm). Trong 5 năm qua, UBND tỉnh đã tuyên dương công nhận, khen thưởng 19.529 trường hợp (cụ thể: 2.605 Tập thể Lao động xuất sắc; 477 Cờ thi đua; 6.280 tập thể và 10.197 cá nhân được tặng Bằng khen; công nhận 633 Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh) và nhiều hình thức tuyên dương, khen thưởng khác cho các tập thể và cá nhân, kể cả người nước ngoài đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh. Đặc biệt, trong 5 năm qua đã giới thiệu, nhân rộng trên 320 mô hình điển hình tiên tiến cấp tỉnh trên các lĩnh vực đời sống xã hội.

Phóng viên: Tiếp tục đổi mới công tác TĐ-KT trong thời gian tới, Hội đồng TĐ-KT tỉnh sẽ tập trung vào những giải pháp nào để tạo khí thế thi đua sôi nổi, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước trong tỉnh?

Ông Nguyễn Văn Dương: Tiếp tục đổi mới công tác TĐ-KT, Hội đồng TĐ-KT các cấp và đội ngũ cán bộ chuyên trách (kiêm nhiệm) làm công tác TĐ-KT từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục bổ sung, kiện toàn, củng cố; tập huấn, hướng dẫn về nghiệp vụ. Làm tốt công tác tham mưu cho các cấp lãnh đạo không ngừng đổi mới công tác thi đua cả về hình thức tổ chức và biện pháp đẩy mạnh phong trào thi đua, cụ thể hóa tiêu chuẩn, thực hiện công khai chấm điểm, bình xét thi đua theo nguyên tắc “Thành tích đến đâu khen thưởng đến đó”. Khen thưởng có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng khen thưởng các tập thể nhỏ, các cá nhân người dân, người lao động sản xuất trực tiếp, quan tâm khen thưởng đột xuất và kịp thời nhằm động viên các phong trào hành động cách mạng của quần chúng nhân dân tại cơ sở, đưa phong trào thi đua yêu nước và công tác TĐ - KT dần đi vào nề nếp và có bước phát triển mới. Việc tôn vinh “Người tốt - Việc tốt” được thực hiện kịp thời, thường xuyên nhằm phát huy những điển hình tiên tiến để nhân rộng, học tập...

Phóng viên: Xin cám ơn ông.

C.PHƯƠNG (thực hiện)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn