Tập trung phát triển công nghiệp và tạo môi trường đầu tư kinh doanh có hiệu quả

Cập nhật ngày: 05/10/2019 06:11:14

ĐTO - Thời gian qua, các cấp ủy, tổ chức đảng trên địa bàn tỉnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung các văn kiện Đại hội XI, XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội IX, X Đảng bộ tỉnh và các nghị quyết, kết luận của Tỉnh ủy khóa IX, X đến các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân bằng nhiều hình thức, tạo sự nhất trí cao trong toàn Đảng bộ, sự đồng thuận của nhân dân góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, nhất là tập trung phát triển công nghiệp và tạo môi trường kinh doanh có hiệu quả.


Một góc của khu công nghiệp Sa Đéc tọa lạc phường Tân Quy Đông, TP.Sa Đéc

Từ năm 2013-2018, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh được củng cố, đổi mới, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm theo chuỗi giá trị ngành hàng, mở rộng quy mô, tăng sản lượng sản xuất gắn với phát triển sản phẩm mới. Cơ cấu sản xuất nội bộ ngành công nghiệp được đầu tư vào chiều sâu, nâng tỷ lệ tinh chế trong sản phẩm, làm tăng giá trị và tính cạnh tranh cho sản phẩm công nghiệp. Các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề được hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi phát triển, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm. Công nghiệp tiếp tục phát triển nhưng tốc độ tăng trưởng chậm lại do khó khăn chung về kinh tế, GRDP khu vực công nghiệp đạt tăng trưởng khoảng 8,67%/năm.

Đặc biệt, với phương châm “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, tỉnh đã nỗ lực tạo lập và duy trì nhiều kênh tiếp nhận thông tin để kịp thời lắng nghe, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) trong quá trình hoạt động. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tiếp tục đứng ở thứ hạng cao trong 11 năm qua. Từ đầu năm 2013 đến cuối năm 2018, tỉnh đã thu hút 197 dự án đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký 17.870 tỷ đồng. Phần lớn các dự án đầu tư tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông, thủy sản. Trong 5 năm (2014 - 2018), đã có thêm 2.269 DN thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 11.170 tỷ đồng, nâng tổng số DN thực tế đang hoạt động là 3.607 DN, tạo việc làm cho hơn 36.300 lao động. Toàn tỉnh có 79.061 hộ kinh doanh, với tổng vốn đăng ký trên 8.000 tỷ đồng.

Tỉnh đã kiến tạo môi trường khởi nghiệp, từng bước hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, thành lập Trung tâm Hỗ trợ DN và khởi nghiệp, Quỹ bảo lãnh tín dụng DN nhỏ và vừa và hỗ trợ khởi nghiệp; phát sóng chương trình khởi nghiệp định kỳ trên Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp. Tỉnh tổ chức cuộc thi “Dự án khởi nghiệp”; kết nối các nguồn lực xã hội cùng tham gia phát triển khởi nghiệp, hợp tác với các đối tác. Qua 5 năm, nhiều dự án khởi nghiệp tiềm năng được hình thành, nhiều sản phẩm khởi nghiep đặc trưng địa phương, nhiều dự án đạt giải cao tại các cuộc thi cấp khu vực, quốc gia, từng bước thương mại hóa, được người tiêu dùng lựa chọn.

Tỉnh đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Mạng lưới đô thị của tỉnh tiếp tục được mở rộng, phát triển, định hình rõ nét. Công tác quy hoạch tạo cơ sở để kế hoạch hóa đầu tư, phân bổ nguồn lực góp phần định hướng đầu tư và hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng đô thị, phục vụ cho công tác mở rộng, tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2018 đạt 35,9%. Việc cấp và quản lý nước sạch được đầu tư nâng cấp về mạng lưới bao phủ và chất lượng nước bảo đảm đồng bộ theo tốc độ mở rộng đô thị, tỷ lệ dân cư thành thị sử dụng nước sạch đến cuối năm 2018 đạt 98,6%. Triển khai xây dựng nhà máy xử lý nước thải công suất 10.000m3/ngày đêm tại TP.Cao Lãnh, tỷ lệ thu gom chất thải rắn đạt 78%. Việc phát triển các đô thị đã góp phần tạo cảnh quan môi trường và nâng cao chất lượng sống của dân cư khu vực đô thị.

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn