Thất bại để thành công

Cập nhật ngày: 28/03/2017 06:52:17

ĐTO - Trên bước đường khởi nghiệp, đằng sau sự thành công của các Start – up ngoài sự nỗ lực chính họ thì cần có những Mentor (huấn luyện viên) đồng hành. Đó là chia sẻ của ông Phạm Duy Hiếu - Giám đốc điều hành Quỹ khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam (SVF).


Đoàn Ngọc Minh Thùy khởi nghiệp với sản phẩm tinh dầu 

Phải dám thất bại

Theo ông Phạm Duy Hiếu, khởi nghiệp chính là hành động bước ra khỏi “vùng an toàn”, thử thách bản thân trong một môi trường mới. Tuy nhiên, các nhà kinh tế đều có chung nhận định, khởi nghiệp chẳng bao giờ là dễ dàng, có đến 90% người khởi nghiệp thất bại.

Dưới góc nhìn của Giám đốc SVF, thất bại ở đây chỉ là ý tưởng chứ không phải là thất bại ở con người. Thường những người từng thất bại sau khi “đứng dậy” thì vào những lần sau, tỷ lệ thành công sẽ tăng thêm 20%. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài thường lựa chọn ý tưởng khởi nghiệp từ những người chưa thành công.

Ông Phạm Duy Hiếu chia sẻ, tiến trình khởi nghiệp có 6 bước: được truyền cảm hứng; giáo dục huấn luyện; tạo thành nhóm khởi nghiệp; thành lập công ty; tăng quy mô, phát triển doanh thu mở rộng địa bàn; trở thành nhà vô địch. Để một Start - up tiến đến thành công, rất cần những Mentor – người huấn luyện, cố vấn. Ông Hiếu dẫn chứng đằng sau thành công của Tập đoàn Alibaba có Jack Ma; sau Tập đoàn Apple có Steve Jobs...

Mentor có thể là người thành công trong kinh doanh, chuyên gia kinh tế hay các giảng viên trường đại học. Mentor không chỉ là người truyền cảm hứng mà còn là người thầy, người truyền kinh nghiệm đồng thời tạo những “áp lực” để các Start - up vươn mình.

Đồng Tháp vươn mình khởi nghiệp

Ông Phạm Duy Hiếu nhận định, để hình thành một địa phương khởi nghiệp, Đồng Tháp có lợi thế sở hữu phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ. Đây là một trong những yếu tố khuyến khích tinh thần khởi nghiệp trong mọi tầng lớp. 

Trong khuôn khổ cuộc thi Dự án khởi nghiệp lần 2 năm 2016 do BSA tổ chức, Đồng Tháp giành được 6/11 giải thưởng. Trong đó, có dự án đạt giải cao nhất. Hầu hết các sản phẩm không những mang dấu ấn đậm nét của quê hương Đồng Tháp mà còn giải quyết được những vấn đề đặt ra từ cuộc sống. Bạn Võ Văn Tiếng - người đạt giải nhất từ cuộc thi Dự án Khởi nghiệp lần 2 chia sẻ: “Hiện nay, vấn nạn gạo không an toàn đã ảnh hưởng đến chất lượng sống của người tiêu dùng. Chính vì vậy, em bắt tay thực hiện dự án sản xuất lúa sạch với tên Tâm Việt – Tâm của người Việt”. Ngoài ra, còn có những bạn trẻ âm thầm khởi nghiệp như Đặng Ngọc Quý đưa sản phẩm mãng cầu xiêm Lai Vung xuất ngoại đến thị trường Singapore...

Theo ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch UBND tỉnh, Đồng Tháp không giấu khát vọng để trở thành địa phương Khởi nghiệp. Hiện nay, Đồng Tháp đã ban hành Kế hoạch hành động về Khởi nghiệp, thành lập Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu, tổ chức các hoạt động nhằm khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên, sinh viên, học sinh...

Tuy nhiên, Chủ tịch tỉnh cho rằng, để hình thành một Đồng Tháp khởi nghiệp, địa phương còn rất nhiều việc phải làm, trước hết là phải thay đổi nhận thức để sau đó chuyển thành những việc làm thiết thực, hiệu quả.

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn