Chuyển đổi số góp phần đưa nền nông nghiệp ngày càng hiện đại

Cập nhật ngày: 09/03/2024 14:52:30

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240309025405dt2-3.mp3

 

ĐTO - Việc chuyển đổi số (CĐS) nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua được triển khai rộng rãi đến người lao động, các cấp ủy đảng, chính quyền; được sự quan tâm chỉ đạo của Ủy ban Quốc gia về CĐS quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, đặc biệt là sự đồng hành của người dân trên địa bàn tỉnh trong công tác số hóa dữ liệu nông nghiệp của tỉnh.

Nhận thức về CĐS của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước hình thành thói quen ứng dụng công nghệ số trong công việc, trong cuộc sống. Người dân ngày càng sử dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất cho năng suất, chất lượng sản phẩm tốt hơn, đưa nền nông nghiệp của tỉnh dần chuyển đổi từ “Nông nghiệp truyền thống” sang “Nông nghiệp hiện đại”.


Kiểm tra sâu rầy qua điện thoại di động tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 (huyện Tháp Mười) (Ảnh: Mỹ Nhân)

Kế hoạch đầu tư hạ tầng số đáp ứng kịp thời nhu cầu CĐS nông nghiệp, từ đó nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp đã được đưa vào sử dụng, có khả năng chia sẻ dữ liệu (LGSP) đến Trung tâm CĐS tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Công tác số hóa dữ liệu quản lý, tự động hóa trong quy trình thu thập - xử lý - báo cáo - lưu trữ hệ thống dữ liệu thống kê, hiện tại được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Công tác dự báo, cảnh báo sớm thiên tai ngày càng hiệu quả hơn, từ đó, các sở, ban, ngành tỉnh và UBND huyện, thành phố có đầy đủ thông tin để chỉ đạo, điều hành, giúp người dân hạn chế thấp nhất các rủi ro, thiệt hại.

Về chính quyền số, có 100% cơ sở dữ liệu thuộc lĩnh vực ngành nông nghiệp quản lý (từ tuyến tỉnh, huyện, xã) được số hóa và cung cấp dữ liệu mở phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội. Đối với kinh tế số, hoàn thành cơ sở dữ liệu về sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn theo các cấp quản lý (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã); phát triển hệ sinh thái nông nghiệp số tích hợp hệ thống cơ sở dữ liệu số ngành nông nghiệp đồng bộ từ cấp tỉnh, huyện, xã (thông qua phát triển hệ thống phần mềm, ứng dụng thiết bị thông minh) giúp quản lý nông nghiệp số và phát triển kinh tế nông nghiệp số, sẵn sàng tích hợp vào hệ thống dữ liệu của tỉnh và quốc gia. Đến nay, tỉnh đã xây dựng 4 hội quán ứng dụng IoT vào sản xuất; có 15,5% hội quán (22/142 hội quán), 17,2% hợp tác xã (33/192 hợp tác xã) có ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc, có hoạt động thương mại điện tử thông qua Tổ công nghệ số cộng đồng; xây dựng mô hình ứng dụng đồng bộ công nghệ số và thiết bị giám sát IoT, viễn thám giúp thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn của ngành (hệ thống cơ sở dữ liệu lớn về thổ nhưỡng; về đặc tính thích nghi của cây trồng, vật nuôi, thủy sản; về thông tin thị trường...) thông qua nền tảng hệ sinh thái nông nghiệp số; 100% sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) có mặt trên các sàn thương mại điện tử (tăng 30% so với năm 2022)...

Thực hiện Đề án CĐS ngành nông nghiệp, năm 2024, nhóm chính quyền số, tỉnh phấn đấu 97% thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện đủ điều kiện được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần và 100% văn bản được trao đổi qua môi trường mạng dưới dạng văn bản điện tử, được ký số bởi chữ ký số chuyên dùng, trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật; 90% cơ sở dữ liệu thuộc lĩnh vực ngành nông nghiệp quản lý (từ tuyến tỉnh, huyện, xã) được số hóa và cung cấp dữ liệu mở phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội...

Nhóm kinh tế số, năm 2024 hoàn thành cơ sở dữ liệu về sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn theo các cấp quản lý (tỉnh, huyện, xã); xây dựng nền tảng CĐS nông nghiệp giúp quản lý nông nghiệp số và phát triển kinh tế nông nghiệp, sẵn sàng tích hợp vào hệ thống dữ liệu của tỉnh; xây dựng 5 Làng thông minh; xây dựng ít nhất 5 hội quán ứng dụng IoT vào sản xuất; có 17% hội quán, hợp tác xã có ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc, có hoạt động thương mại điện tử thông qua Tổ công nghệ số cộng đồng; hoàn thiện mô hình ứng dụng đồng bộ công nghệ số và thiết bị giám sát IoT, viễn thám giúp thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn của ngành (hệ thống cơ sở dữ liệu lớn về thổ nhưỡng; về đặc tính thích nghi của cây trồng, vật nuôi, thủy sản; về thông tin thị trường...) thông qua nền tảng hệ sinh thái nông nghiệp số...

Đối với nhóm xã hội số, thông qua Tổ công nghệ số cộng đồng, Tổ khuyến nông cộng đồng, hỗ trợ, tư vấn cho trên 60% nông dân biết ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình sản xuất, khai thác thông tin cung - cầu thông qua mạng Internet, cách thức quảng bá trực tuyến, buôn bán trực tuyến.

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn