Đồng Tháp - Khoa học và công nghệ đồng hành cùng phát triển bền vững

Cập nhật ngày: 17/05/2025 16:35:03

http://baodongthap.com.vn/database/video/20250517043700dt2-9.mp3

 

ĐTO - Khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (CĐS) từng bước trở thành các yếu tố quan trọng mang tính quyết định đối với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước, đóng góp thiết thực, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, tạo nền tảng, thời cơ tốt nhất để xây dựng đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Điều này được khẳng định trong các Văn kiện Đại hội của Đảng và được thể hiện xuyên suốt trong các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của tỉnh Đồng Tháp.


Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong (thứ 2 từ phải sang) tham quan khu vực trưng bày các sản phẩm giá trị gia tăng từ cây sen của Đồng Tháp tại Diễn đàn Khởi nghiệp đồng bằng sông Cửu Long - Lần II năm 2024

Gần đây, việc triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia diễn ra trong bối cảnh địa phương đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác chuyển đổi số, ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN)  vào phát triển kinh tế - xã hội.

Phát huy nguồn lực khoa học và công nghệ

Những năm qua, KH&CN tỉnh Đồng Tháp đã tạo nên những dấu ấn nổi bật, góp phần định hình mô hình tăng trưởng mới, khơi dậy tiềm năng sáng tạo trong Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp (DN).

Với định hướng xem KH&CN là động lực phát triển, tỉnh đã có nhiều quyết sách mang tính đột phá như: phân cấp quản lý nhiệm vụ KH&CN đến tận cơ sở; hợp nhất các đơn vị sự nghiệp nhằm tăng hiệu quả hoạt động; trao quyền và khuyến khích sự tham gia rộng rãi của người dân trong nghiên cứu, ứng dụng KH&CN.

Thực hiện định hướng của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS, Đồng Tháp xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, mang tính nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững. Theo Chương trình hành động số 94-CTr/TU và Kế hoạch 77/KH-UBND, mục tiêu đến năm 2030, Đồng Tháp sẽ trở thành địa phương có tiềm lực KHCN thuộc nhóm khá của cả nước; lĩnh vực đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp đứng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long; kinh tế số đóng góp tối thiểu 10% GRDP; 80% người dân, DN sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 100% người dân có khả năng truy cập mạng băng rộng tốc độ cao.

Định hướng đến năm 2045, Đồng Tháp sẽ trở thành địa phương tiên phong đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế số, kinh tế sinh thái và công nghiệp công nghệ cao. Tỉnh tập trung phát triển các ngành công nghệ số gắn với thế mạnh địa phương như: nông nghiệp thích ứng, chế biến thực phẩm, y tế và giáo dục. Để đạt được các mục tiêu trên, Đồng Tháp đang triển khai đồng bộ các giải pháp: hoàn thiện thể chế, đào tạo nhân lực, đầu tư hạ tầng số, hỗ trợ DN đổi mới sáng tạo và tạo lập hệ sinh thái khởi nghiệp - công nghệ, thúc đẩy mạnh mẽ vai trò dẫn dắt của KHCN trong phát triển kinh tế - xã hội.


Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Thắng (thứ 2 từ phải sang) đánh giá các sản phẩm được chế biến từ các loại phụ phẩm trong nông nghiệp của doanh nghiệp tỉnh nhà được trưng bày tại Diễn đàn Khởi nghiệp đồng bằng sông Cửu Long  - Lần II năm 2024

“Hơi thở” của KH&CN được hiện thực hóa qua các mô hình như “Làng thông minh”, nơi công nghệ số hỗ trợ giám sát môi trường, dự báo thời tiết, kết nối tiêu thụ nông sản. Việc có 6 xã trên địa bàn tỉnh được công nhận mô hình “Làng thông minh” không chỉ minh chứng tính khả thi của mô hình mà còn mở ra hướng phát triển nông thôn mới theo chiều sâu, gắn sản xuất với CĐS. Đồng thời hơn 40 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh và cơ sở đang đồng loạt triển khai, khẳng định vai trò dẫn dắt của KH&CN trong sản xuất và đời sống.

Một điểm sáng nổi bật của Đồng Tháp là sự đồng hành thực chất với các DN, đặc biệt là DN KH&CN. Thông qua việc cấp giấy chứng nhận, hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, tỉnh tiếp thêm động lực cho các đơn vị mạnh dạn đầu tư đổi mới sản phẩm. Những cái tên như: Công ty TNHH Công nghệ ENDOTA với sản phẩm chế phẩm sinh học từ ruồi lính đen, than sinh học từ phụ phẩm nông nghiệp, Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Alpha Amin với các dòng sản phẩm chế phẩm sinh học sử dụng cho nuôi trồng thủy sản... là minh chứng sống động cho năng lực công nghệ đang dần trở thành lợi thế cạnh tranh của DN địa phương.

Đồng Tháp còn đặc biệt chú trọng phát triển hệ thống kiểm định - đo lường - kiểm nghiệm. Việc hợp nhất các đơn vị sự nghiệp KH&CN, thực hiện hơn 1.000 lượt phân tích và kiểm định gần 2.000 phương tiện đo theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025 đã góp phần đảm bảo chất lượng sản phẩm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trên nền tảng đó, thương hiệu nông sản Đồng Tháp ngày càng được khẳng định. Tỉnh thành công trong việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chủ lực như chanh và xoài Cao Lãnh; đồng thời đẩy mạnh xây dựng hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý Xoài Cao Lãnh tại Nhật Bản, một trong những thị trường khó tính. Gạo Sếu Tam Nông - sản phẩm mang dấu ấn “gạo sinh thái” đang được phát triển nhãn hiệu chứng nhận, vừa tạo giá trị gia tăng vừa góp phần bảo vệ môi trường sinh thái vùng đất ngập nước.


Những năm qua, Đồng Tháp quan tâm đẩy mạnh phát triển giáo dục STEM, giáo dục sáng tạo ở các cấp học, góp phần hình thành thế hệ công dân có tư duy đổi mới, khơi dậy niềm đam mê khoa học từ sớm

Nền tảng cho bước chuyển mình mạnh mẽ

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang lan tỏa mạnh mẽ, Đồng Tháp xác định KH&CN là trụ cột then chốt, nền tảng cho phát triển bền vững và toàn diện. Với tinh thần cầu thị, đổi mới và hành động, tỉnh đã và đang hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược, đưa KH&CN thẩm thấu vào mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

Trên cơ sở những kết quả nổi bật đã đạt được, Đồng Tháp tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp đột phá, hướng đến mục tiêu cao nhất là nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm, góp phần giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tiễn địa phương. Trong đó ưu tiên hàng đầu là hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách phù hợp, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để khuyến khích nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ. Tỉnh đặc biệt chú trọng thúc đẩy hợp tác “3 nhà”: Nhà nước, Nhà khoa học, Nhà DN nhằm rút ngắn khoảng cách giữa nghiên cứu và thực tiễn, gắn kết chặt chẽ giữa sáng tạo và thương mại hóa sản phẩm KH&CN.

Từ định hướng đó, Đồng Tháp kiên trì triển khai các nội dung còn lại trong Nghị quyết 57-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển KH&CN, đồng thời xây dựng các chương trình trọng điểm theo hướng chọn lọc, có chiều sâu. Trọng tâm là các lĩnh vực có tiềm năng và lợi thế như: nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản sâu, năng lượng tái tạo và du lịch sinh thái thông minh. Các chương trình được thiết kế bài bản, có lộ trình cụ thể, bảo đảm gắn với nhu cầu địa phương và xu thế phát triển toàn cầu.

Song song đó, tỉnh chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng KH&CN hiện đại, nâng cấp phòng thí nghiệm, trung tâm kiểm nghiệm, vườn ươm công nghệ và các cơ sở nghiên cứu. Đây là tiền đề quan trọng để nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, thu hút nhân tài, tạo đà hình thành các khu công nghệ cao gắn với đặc trưng địa phương.

Nguồn nhân lực KH&CN được coi là yếu tố sống còn trong quá trình chuyển mình. Đồng Tháp đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ KH&CN chất lượng cao; triển khai chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành; đồng thời mở rộng hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước. Tỉnh cũng quan tâm phát triển giáo dục STEM, giáo dục sáng tạo ở các cấp học, góp phần hình thành thế hệ công dân có tư duy đổi mới, khơi dậy niềm đam mê khoa học từ sớm.

Đồng Tháp đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực KH&CN. Việc trao đổi tri thức, tiếp cận công nghệ hiện đại, học hỏi kinh nghiệm quốc tế giúp địa phương bắt kịp xu thế, nâng cao chất lượng nghiên cứu và khả năng ứng dụng thực tiễn. Đây cũng là cầu nối để các nhà khoa học, DN địa phương tham gia sâu hơn vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo toàn cầu.

Đặc biệt, Đồng Tháp luôn xem DN là trung tâm của quá trình ứng dụng và thương mại hóa KH&CN. Các chương trình hỗ trợ DN đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm tiếp tục được triển khai đồng bộ. Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng phát triển chính quyền số, đô thị thông minh, đẩy mạnh CĐS trong quản lý, phục vụ người dân và DN hiệu quả hơn...

Với nền tảng được xây dựng bài bản và tầm nhìn chiến lược rõ ràng, KH&CN đang từng bước khẳng định vai trò là động lực nội sinh quan trọng trong hành trình phát triển của Đồng Tháp. Từ những sáng kiến nhỏ trong sản xuất, đến những chương trình lớn về đào tạo, kết nối và chuyển giao, tất cả đang cùng hòa nhịp, tạo nên bước chuyển mình mạnh mẽ - vì một Đồng Tháp đổi mới, thịnh vượng và bền vững.

Trúc Ly - Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn