Buôn lậu trên tuyến biên giới còn phức tạp

Cập nhật ngày: 18/01/2016 07:12:55

Theo Cục Hải quan tỉnh, năm 2015, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại tại các tuyến biên giới của tỉnh tăng hơn so với năm 2014. Nguyên nhân do sức hút từ sự chênh lệch về giá các mặt hàng buôn lậu giữa thị trường nội địa với thị trường nước khác.


Lực lượng chức năng tiêu hủy hàng hóa nhập lậu

Các mặt hàng nhập lậu chủ yếu là thuốc lá ngoại, nông sản, gỗ mỹ nghệ và nhiều nhất là đường kết tinh. Đường kết tinh tại thị trường Thái Lan, Campuchia có giá thấp hơn đường nội địa đã tạo sức hút cho đối tượng buôn lậu. Vào những tháng cao điểm, đường kết tinh vận chuyển từ biên giới Đồng Tháp - Prâyveng về đến TX.Hồng Ngự, bọn đầu nậu thu lời từ 70.000 - 100.000 đồng/bao 50kg.

Để vận chuyển hàng hóa nhập lậu từ biên giới về được trót lọt, đối tượng này phân tán nhỏ lẻ hàng hóa, đồng thời tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động của lực lượng chức năng để khi có cơ hội thuận lợi sẽ tiến hành tuồn hàng qua biên giới. Trong công đoạn tiêu thụ, các đối tượng này sử dụng xe gắn máy chạy với tốc độ cao, thực hiện cản địa khi bị lực lượng chức năng truy đuổi.

Để qua mặt lực lượng chức năng, nhiều thủ đoạn mới được dân buôn lậu thực hiện. Đối với sản phẩm đường kết tinh các đối tượng này sẽ tập kết tại các sạp khu vực TX.Hồng Ngự và sau đó “hóa phép” bằng cách thay đổi bao bì. Khi bị ngành chức năng kiểm tra, họ sử dụng chứng từ mua đường đấu giá để hợp thức hóa hàng nhập lậu...

Mặt hàng thuốc lá nhập lậu thì giới buôn lậu giấu vào giữa bao phân bò để nhằm qua mắt ngành chức năng. Đối với máy gặt đập liên hợp, các đối tượng buôn lậu sử dụng “chiêu” xin đơn có chứng nhận của lực lượng chức năng để qua biên giới sửa chữa máy móc, nhưng mục đích là mua sản phẩm nhập lậu về bán lại. Khi bị vạch mặt, sẽ thông đồng cùng một nhóm người quen biết, thân thiết để xác nhận là mua máy về phục vụ sản xuất nông nghiệp, cầu cứu ngành chức năng.

Với nghiệp vụ của ngành, trong năm 2015, Cục Hải quan tỉnh phát hiện và bắt giữ 218 vụ. Trong đó, có 178 vụ buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, 40 vụ vi phạm thủ tục hải quan với tổng giá trị trên 2,5 tỷ đồng. Theo đó, tiến hành phạt tiền 603 tỷ đồng. Đồng thời tịch thu tang vật 191 vụ, với trị giá trên 2,4 tỷ đồng.

Để công tác phòng, chống buôn lậu hiệu quả được tốt hơn, Cục Hải quan tỉnh đề nghị Ban chỉ đạo 389 tỉnh, Tổng cục Hải quan kiến nghị cấp có thẩm quyền tiêu hủy xe máy không có giấy tờ hợp pháp để chở hàng lậu. Bởi thực tế hiện nay, khi các phương tiện không giấy tờ hợp pháp bị lực lượng chức năng tịch thu sau đó bán đấu giá, các đối tượng đầu nậu sẽ mua lại để sử dụng làm “chân” buôn lậu. Trong khi số tiền thu từ đấu giá phương tiện này rất ít, không đủ để trả chi phí giám định. Đồng thời, xe sẽ được cải tạo gia cố nhưng không đăng ký với lực lượng chức năng, khi bị phát hiện, đối tượng buôn lậu sẽ sẵn sàng bỏ hàng và phương tiện để thoát thân.

Ngoài ra, các đối tượng buôn lậu lợi dụng sự thiếu chặt chẽ trong quản lý hồ sơ chứng từ bán đấu giá để hợp thức hóa hàng nhập lậu. Đặc biệt là đường kết tinh. Đây là những điểm nghẽn cần được chỉnh sửa cho phù hợp với tình hình thực tế.

Một khó khăn khác là chế độ bồi dưỡng chưa thật xứng đáng để khuyến khích tinh thần cho cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu luôn phải đối mặt với khó khăn, nguy hiểm...

K.D

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn