Các hộ kinh doanh ở chợ Giồng Găng tiếp tục gặp khó sau khi bị cháy
Cập nhật ngày: 15/01/2016 12:24:59
Sau khi bị “bà hỏa” thiêu rụi nhiều hàng hóa trong vụ hỏa hoạn xảy ra vào ngày 10/12/2015, các hộ kinh doanh tại chợ Giồng Giăng tiếp tục gặp khó khăn trong buôn bán do các cơ quan quản lý chợ không đồng ý cho họ lắp ráp lại mái che tạm để mua bán.

Các hộ kinh doanh ảnh hưởng trong vụ cháy ở Chợ Giồng Găng phải che dù mua bán, khó nhọc trong việc bảo quản hàng hóa
Ông Trương Thanh Hồng - chủ quầy kinh doanh hàng nhựa, nhôm, sành sứ bị thiệt hại do cháy ở chợ Giồng Găng trình bày, sau khi vụ hỏa hoạn xảy ra 2 tuần gia đình ông bắt đầu quay lại chợ Giồng Găng cất tạm khung nhà tiền chế, mái lợp tôn để buôn bán, nhưng các ngành chức năng huyện Tân Hồng đến yêu cầu tháo dỡ, trả lại mặt bằng cho chợ thông thoáng.
Ông Hồng nói: “Hàng hóa của tôi chủ yếu là đồ nhựa nên sau hỏa hoạn tôi cất tạm khung nhà tiền chế để tránh mưa nắng, nhưng dựng lên được 3 ngày thì Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Công an huyện đến yêu cầu tháo dỡ. Vợ chồng tôi phải để hàng hóa ngoài trời”.
Theo bà Nguyễn Thị Mai (vợ ông Hồng), gia đình bà là hộ thiệt hại tài sản nặng nhất trong vụ cháy, với tổng thiệt hại hơn 400 triệu đồng. Để có hàng buôn bán trở lại, bà Mai phải vay mượn của nhiều người. Bà Nguyễn Thị Mai cho biết: “Tôi đã bị thiệt hại lớn do vụ cháy. Nay lại không được tạo điều kiện mua bán thuận lợi lại càng khó khăn thêm. Chúng tôi xin làm mái che tạm theo kiểu rạp đám cưới để dễ mua bán nhưng chưa được giải quyết. Hàng hóa rất nhiều, đêm đến phải lấy mũ nilong đậy lại để bảo quản”.
Trong nội dung kiến nghị xin xây cất ki-ốt tạm gửi UBND huyện Tân Hồng, Phòng Kinh tế - Hạ tầng, UBND xã Tân Phước gần đây, ông Trương Thanh Hồng cam kết làm khung nhà tạm, xung quanh rào lưới B40 không che khuất tầm nhìn, không lấn chiếm lòng lề đường chợ, nhưng chưa được trả lời.
Cùng hoàn cảnh như gia đình bà Mai là 7 hộ kinh doanh khác tại chợ Giồng Găng bị ảnh hưởng, phải tháo dỡ ki-ốt sau vụ cháy. Hiện các hộ này được sắp xếp bán tạm tại địa điểm cũ, nhưng không được các đơn vị quản lý chợ cho xây cất ki-ốt như trước kia mà chỉ được che dù bán.
Bà Lê Thị Bảy bán tạp hóa cho biết: “Tôi đã mua bán tại chợ đã nhiều năm. Chỉ riêng tôi đã bị thiệt hại hơn 100 triệu đồng trong vụ cháy. Chúng tôi phải mướn dù che với giá 5.000 đồng/cây/ngày, mỗi người phải thuê 3-4 cây thì làm mà sao gượng dậy được”.
Theo Ban Quản lý Chợ Giồng Găng, các ki-ốt bị cháy vào ngày 10/12/2015 là dãy nhà do người dân tự cất trên đất hành lang chợ, các hộ này có đóng hoa chi hằng tháng cho phía đầu tư chợ. Sau khi vụ cháy xảy ra, ngành chức năng huyện tiến hành tháo dỡ dãy ki-ốt trên, đồng thời tháo dỡ các mái che phía dãy ki-ốt này để thông thoáng chợ.
Ông Hà Thanh Sơn - Trưởng Ban Quản lý chợ Giồng Găng cho biết: “Ban Quản lý chợ trước đây quản lý không chặt chẽ nên người dân đến cất dãy ki-ốt trên. Hiện nay, để chợ an toàn, các đơn vị có trách nhiệm quản lý chợ chỉ chấp nhận cho các hộ này che dù buôn bán tạm chứ không cho che cất lại”.
Theo một cán bộ lãnh đạo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tân Hồng, UBND huyện Tân Hồng đang kêu gọi đầu tư chỉnh trang lại chợ Giồng Găng, nếu chợ được đầu tư xây dựng lại sẽ sắp xếp, bố trí các hộ dân bị thiệt hại do cháy vào buôn bán.
Các hộ dân đến hành lang chợ Giồng Găng chiếm chỗ cất ki-ốt buôn bán ở chợ nhiều năm, nhưng hàng tháng các hộ này vẫn đóng hoa chi cho phía đầu tư, khai thác chợ, vì vậy có thể nhìn nhận họ là một bộ phận của chợ Giồng Găng. Sau vụ cháy, họ đã gặp khó khăn về kinh tế, nay lại tiếp tục khó khăn ổn định lại nơi mua bán.
Thiết nghĩ, ngành chức năng địa phương cần tạo điều kiện cho các hộ bị ảnh hưởng trong vụ cháy cất tạm khung mái che, nhưng không lấn chiếm lề đường, không khuất tầm nhìn như cam kết để họ an tâm, chờ ngày được bố trí, sắp xếp vào khu chợ được đầu tư mới.
Phú Thuận