Canh tác lúa thông minh trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu

Cập nhật ngày: 13/04/2017 14:05:08

ĐTO - Gần đây, tình hình thời tiết diễn biến bất thường làm năng suất lúa giảm nghiêm trọng khiến nhiều nông dân lo lắng. Theo đánh giá của các nhà khoa học, năng suất lúa ở một số khu vực đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng giảm một phần là do ảnh hưởng từ thời tiết, song song đó là kỹ thuật canh tác không hợp lý.


Canh tác lúa đúng cách giúp tiết giảm chi phí, tăng lợi nhuận kinh tế

Đất đang suy kiệt dinh dưỡng

Những năm gần đây, việc sản xuất lúa 3 vụ giúp giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nông dân nhưng tình trạng này kéo dài và bị lạm dụng khiến cho nguồn dinh dưỡng trong đất càng ngày càng bị vắt kiệt. Kết quả là thời gian gần đây, nông dân phải sử dụng phân bón nhiều hơn nhưng năng suất lúa vẫn có chiều hướng sụt giảm.

Ông Lê Văn Tiến ngụ xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh cho hay: “Trước đây trung bình mỗi công lúa chỉ sử dụng khoảng 50kg phân bón/vụ thì hiện nay phải bón trên 70kg, lúa mới phát triển tốt. Nếu vụ nào lúa trúng và có giá thì còn có lãi chứ lúa thất thì bị lỗ vốn. Cụ thể là vụ đông xuân vừa rồi, do ảnh hưởng thời tiết nên năng suất lúa rất thấp, cả hecta thu hoạch chỉ được 4,8 tấn lúa tươi, bán xong không đủ tiền trả phí thuê đất và vật tư”.

Phân tích về những nguyên nhân ảnh hưởng đến năng suất lúa cũng như việc chi phí giá thành ngày một tăng của nông dân, bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh - Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đồng Tháp cho rằng, ngoài những ảnh hưởng từ yếu tố thời tiết thì yếu tố đất đai, cung cấp dinh dưỡng không hợp lý, chế độ làm đất và tình trạng sản xuất lúa liên tục cũng là nguyên nhân khiến cho sản xuất lúa kém hiệu quả.

Khoảng 10 năm trở lại đây, việc cày sâu, phơi ải sau mỗi vụ mùa không còn phổ biến trên những cánh đồng ở Đồng Tháp. Thay vì phải có thời gian cách ly, phơi ải để đất nghỉ ngơi thì nông dân cho đất sản xuất lúa liên tục. Tình trạng đất bị ẩm ướt kéo dài từ vụ mùa này đến vụ mùa khác khiến cho đất bị dẽ chặt, rễ lúa khó phát triển và hấp thu chất dinh dưỡng, từ đó dễ dẫn đến tình trạng thất thoát phân bón, lúa dễ đổ ngã, làm giảm năng suất. Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân chính khiến đất lúa đang nghèo chất dinh dưỡng là do tình trạng lũ thấp, lượng phù sa hạn chế gây ảnh hưởng rất nhiều đến việc bổ sung nguồn dưỡng chất thiết yếu cho đất nông nghiệp. Phù sa đóng vai trò quan trọng đối với canh tác lúa nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung. Nhiều nông dân nhận định, nếu so sánh lợi nhuận của cánh đồng được xả lũ và sản xuất 2 vụ với cánh đồng không được xả lũ, sản xuất 3 vụ thì hiệu quả kinh tế gần như tương đương. Tuy nhiên, sản xuất 3 vụ lúa thì không những không tăng lợi nhuận kinh tế mà còn làm cho đất ngày một bạc màu, khó canh tác hơn.

Hướng tới một nền nông nghiệp bền vững

Trong nông nghiệp, nguồn tài nguyên đất đóng vai trò vô cùng quan trọng, do đó sử dụng nguồn tài nguyên này đúng cách, hợp lý nhưng vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao là cách làm thông minh mà nông dân cần phải hướng tới. Theo GS.TS Nguyễn Bảo Vệ - Trường Đại học Cần Thơ, có nhiều cách để nông dân tiết kiệm phân bón, việc tận dụng nguồn phù sa từ sông MêKông là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp bổ sung nguồn dinh dưỡng cho đất lúa, giúp rửa độc cho đồng ruộng, cân bằng hệ vi sinh có lợi cho đất lúa. Bên cạnh đó, việc tận dụng nguồn rơm rạ để trả lại nguồn dinh dưỡng cho đất cũng là một giải pháp tích cực, giúp đất trở nên màu mỡ hơn. Trung bình mỗi 1ha lúa, nông dân sẽ thu được từ 5 - 7 tấn phụ phẩm, nguồn phụ phẩm này có giá trị dinh dưỡng tương đương 5 - 7 bao phân NPK, nếu tận dụng được nguồn dinh dưỡng từ rơm rạ, nông dân sẽ tiết giảm được nhiều chí phí hơn và đất cũng không bị bạc màu. Ngoài ra, tận dụng nguồn phân Kali có sẵn trong đất cũng là một giải pháp giúp giảm chi phí sản xuất lúa. Nếu tổng hợp các biện pháp canh tác trên thì không phải bón quá nhiều phân hóa học, cây lúa vẫn phát triển tốt.

Ngoài ra, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ cũng là một trong những giải pháp bền vững hiện nay, hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã có một số nông dân ở huyện Thanh Bình, Hồng Ngự, Tam Nông... áp dụng thành công mô hình này. Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ chẳng những giúp nông dân không còn lệ thuộc vào phân bón hóa học mà nguồn tài nguyên đất cũng được trả lại sự màu mỡ vốn có của nó. Bên cạnh mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, một số mô hình sản xuất mới như: sản xuất lúa an toàn gắn với liên kết tiêu thụ, mô hình sản xuất lúa giảm giá thành... những mô hình này đã và đang có những hiệu quả tích cực trên đồng ruộng và được ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp nhân rộng.

Theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng, giai đoạn tới, tỉnh Đồng Tháp trong sẽ rút ngắn diện tích sản xuất lúa 3 vụ. Thay vào đó, ngành nông nghiệp đang có những giải pháp giúp nông dân chuyển đổi mô hình cây trồng vật nuôi phù hợp với đặc điểm của từng vùng và thị trường có nhu cầu. Đây là một trong những giải pháp mà ngành nông nghiệp tỉnh nhà đang hướng tới để phát triển một nền nông nghiệp bền vững.

Minh Nhật

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn