Chuyển đổi số và liên kết chuỗi trong nông nghiệp

Cập nhật ngày: 22/12/2020 16:07:33

ĐTO - ​Nằm trong khuôn khổ của Chương trình MeKong Connect năm 2020 với chủ đề “Đưa Sản phẩm - Dịch vụ đồng bằng sông Cửu Long vào chuỗi giá trị toàn cầu”, ngày 21/12, UBND tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức buổi hội thảo chuyên đề “Chuyển đổi số và liên kết chuỗi trong nông nghiệp”. Hội thảo nhằm giúp cho bà con nông dân, các hội quán, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có cái nhìn tổng thể về chuyển đổi số ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu.


Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp tặng hoa cho các diễn giả

Phát biểu tại buổi hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết, Đồng Tháp đang nỗ lực xây dựng chiến lược về chuyển đổi số với 3 trụ cột chính là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số với lộ trình cụ thể và tạo cơ chế thông thoáng, ưu đãi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Đồng Tháp xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa đột phá trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian tới.

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, thời gian qua, việc chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, nông dân ở Đồng Tháp bắt đầu có sự liên kết chặt chẽ với các chuyên gia, nhà khoa học, các kênh phân phối... nhằm nâng cao hiệu quả giá trị chuỗi nông, thủy sản. Nhờ đó, một số mặt hàng thế mạnh của tỉnh như xoài, cam, ớt, nhãn, cá da trơn... đáp ứng được nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Để hội nhập sâu rộng và tạo thuận lợi hơn trong xuất khẩu, Đồng Tháp xác định chuyển đổi số trong nông nghiệp là hướng đi tất yếu và phù hợp với xu hướng của các nước tiên tiến hiện nay. Đây là nền tảng để nông sản Đồng Tháp vươn xa trên thị trường quốc tế.

Tham gia chia sẻ ý kiến về chuyển đổi số, các chuyên gia cho rằng, để có thể chuyển đổi số trong nông nghiệp thành công cần phải có sự tham gia của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Theo đó, các tỉnh nên xây dựng hiệp hội ngành hàng, xây dựng cơ sở dữ liệu Big Data cho ngành nông nghiệp, bởi cơ sở dữ liệu sẽ là nền tảng để các địa phương hoạch định chiến lược phát triển ngành nông nghiệp... Về phía các doanh nghiệp công nghệ, các chuyên gia đề nghị nên hướng đến phát triển các sản phẩm công nghệ sát với tình hình thực tế, phù hợp với điều kiện của từng địa phương...

Theo các chuyên gia, để có thể chuyển đổi số thành công thì nguồn nhân lực là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng. Trong đó, ý chí và sự quyết tâm của người đứng đầu là yếu tố then chốt. Ngoài ra, người dân cần phải thay đổi và quyết tâm thực hiện. Để chuyển đổi số thành công và sản phẩm nông nghiệp của Đồng Tháp có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, các chuyên gia cũng đề nghị tỉnh cần xây dựng chiến lược lộ trình thực hiện rõ ràng cho từng giai đoạn vì chuyển đổi số không phải là đích đến mà là một quá trình...

Tại buổi hội thảo, các đại biểu còn được chuyên gia từ Liên đoàn Đô thị Canada (FCM) chia sẻ về “Thị trường xuất nhập khẩu nông sản tại Canada”. Đặc biệt, tại hội thảo này, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ký kết hợp tác với Học viện Nông nghiệp Việt Nam về xây dựng “Chiến lược Phát triển nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030, tầm nhìn 2050” và “Đề án Phát triển nền nông nghiệp xanh, giá trị gia tăng cao và thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Đồng Tháp” cùng một số nội dung khác. Sự hợp tác này nhằm phát huy thế mạnh của hai bên để xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp; hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhằm phục vụ hiệu quả cho sự phát triển chung của tỉnh Đồng Tháp và Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

MỸ LÝ – MỸ NHÂN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn