Chuyển đổi tư duy kinh tế nông nghiệp

Cập nhật ngày: 11/11/2020 14:27:05

ĐTO - Ông Nguyễn Phước Thiện – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp cho biết, năm 2020 với nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, nhưng đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của tỉnh về “chuyển đổi tư duy kinh tế nông nghiệp”. Một số ngành hàng chủ lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nông dân đã nỗ lực mở rộng diện tích áp dụng các biện pháp giảm giá thành như: giảm định mức sử dụng vật tư (giảm lượng giống gieo sạ trung bình 7kg/ha, phân bón tổng số giảm khoảng 5kg/ha), ứng dụng cơ giới hóa nông nghiệp, áp dụng các biện pháp kỹ thuật cao, canh tác thông minh và tiết kiệm tài nguyên, sức lao động để nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất, góp phần tăng thu nhập bình quân trên một đơn vị diện tích đất trồng trọt đạt 6,45%/năm, tốc độ tăng thu nhập từ chăn nuôi 2,58%/năm, tốc độ tăng thu nhập từ thủy sản 4,08%/năm.


Nông dân TP.Cao Lãnh bao trái xoài

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, manh mún sang trồng cây ăn trái, hoa màu, hoa kiểng, nuôi thủy sản được thực hiện tại nhiều địa phương, thúc đẩy tăng trưởng trồng trọt và tăng lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác. Bình quân 1 ha đất lúa chuyển sang nuôi thủy sản cho lợi nhuận tăng 450 triệu đồng, trồng cây ăn trái lại lợi thuận tăng 370 triệu đồng, canh tác hoa kiểng mang lại lợi thuận tăng 400 triệu đồng. Đến nay, tỉnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa sang hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày với 16.248ha, lợi nhuận tăng gấp 2 - 3 lần so trồng lúa; chuyển đổi sang trồng cây ăn trái với 7.557ha, lợi nhuận tăng từ 3 - 8 lần so trồng lúa và chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản 965ha, lợi nhuận tăng 3 - 5 lần trồng lúa.

Chế biến nông sản theo chuỗi ngành hàng làm tăng tính cạnh tranh của sản phẩm, nâng dần tỷ lệ tinh chế, nhiều sản phẩm mới được nghiên cứu phát triển đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường như: sản phẩm collagen, galettin, dầu cá tinh luyện, có trên 150 sản phẩm khởi nghiệp với hơn 100 sản phẩm của 40 doanh nghiệp có mặt tại các hệ thống siêu thị... Toàn tỉnh hiện có 70 sản phẩm của 30 chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh được công nhận sản phẩm OCOP (gồm 23 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 47 sản phẩm đạt hạng 3 sao). Thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP, ngoài những kênh truyền thống, còn có trên các trang điện tử Tiki, Lazada, Shopee, sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Đồng Tháp (bánh phồng, xoài, cam sấy dẻo POPE, tắc sấy dẻo POPE, gừng sấy dẻo sữa ong chúa, hoa sen sấy,...). Dự kiến đến hết năm 2020, tỉnh sẽ có 100 sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 - 4 sao, trong đó ít nhất 3 sản phẩm đạt chuẩn Quốc gia 5 sao.

Ngoài ra, chuyển đổi tư duy sang kinh tế nông nghiệp đã làm thay đổi lối sống và cách nghĩ của mỗi người dân, từ đó phát huy vai trò, nguồn lực, hợp tác, chia sẻ và cùng nhau làm giàu trong cộng đồng dân cư. Đặc biệt, mô hình Hội quán với phương châm “Chăm chỉ - Tự lực - Hợp tác” nhằm chia sẻ và hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh, hứa hẹn sẽ góp phần dẫn dắt cho kinh tế hợp tác của tỉnh phát triển bền vững trong thời gian tới.

Thành Nam

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn