Quỹ tín dụng nhân dân góp phần nâng cao đời sống cho các thành viên

Cập nhật ngày: 10/11/2020 06:20:46

ĐTO - Thời gian qua, hoạt động của Quỹ tín dụng (QTD) nhân dân trên địa bàn tỉnh đã tạo điều kiện hỗ trợ cho các thành viên và người dân tham gia vay vốn phát triển hợp tác xã (HTX), kinh tế tập thể, kinh tế hộ gia đình. Qua đó, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các địa phương.

Hiện nay, toàn tỉnh có 17 QTD với gần 21.700 thành viên, hoạt động trên địa bàn của 43 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, thành phố trong tỉnh (TP.Cao Lãnh, TP.Sa Đéc, huyện Cao Lãnh, Thanh Bình, Lai Vung, Lấp Vò, Tam Nông, Tân Hồng). Từ năm 2017 đến ngày 31/8/2020, tổng nguồn vốn đạt trên 923 tỷ đồng; tổng dư nợ đạt gần 785 tỷ đồng, nợ xấu 6,6 tỷ đồng, chiếm 0,85% tổng dư nợ, các QTD tích cực đôn đốc và thu hồi nợ xấu để đảm bảo tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn (dưới 3%/tổng dư nợ).

Hầu hết các QTD trên địa bàn tỉnh đều hoạt động hiệu quả, an toàn, đáp ứng nhanh chóng, kịp thời nhu cầu vốn đầu tư của người dân tại địa phương. Từ nguồn vốn của QTD, các thành viên trong Quỹ đã hỗ trợ nhau đắc lực trong phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, giá trị cao. Từ đó góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, vươn lên làm giàu chính đáng tại quê hương.

Các QTD chấp hành đúng các tỷ lệ an toàn trong hoạt động theo Thông tư số 21/2019/TT-NHN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về Ngân hàng HTX, QTD và quỹ bảo đảm an toàn hệ thống QTD và Thông tư số 32/2015/TT-NHNN về giới hạn tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động QTD. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh Đồng Tháp, việc thực hiện các Thông tư này đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để hệ thống QTD hoạt động an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững, bám sát theo chủ trương đã được nêu ra.

Bên cạnh kết quả đạt được, các QTD vẫn còn một số tồn tại, sai sót. Theo đó, một số QTD chưa tách bạch giữa công tác quản trị và điều hành; một số QTD hoạt động chạy theo lợi nhuận, mục tiêu tương trợ cho các thành viên còn xem nhẹ; một số QTD chưa làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nên một số thành viên Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát thiếu tiêu chuẩn theo quy định; việc cập nhật, nghiên cứu các văn bản, quy định mới của pháp luật liên quan đến hoạt động của một số QTD chưa tốt, chưa kịp thời...

Để kịp thời phát hiện, khắc phục các hạn chế, tồn tại của các QTD trên địa bàn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh Đồng Tháp đề ra các giải pháp. Cụ thể, tiếp tục chỉ đạo, giám sát các QTD thực hiện hiệu quả phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020; thường xuyên giám sát, đánh giá thực trạng hoạt động để phát hiện các tồn tại, sai sót, từ đó chỉ đạo QTD bổ sung vào phương án cơ cấu lại để khắc phục tốt; chú trọng công tác tập huấn nghiệp vụ, nâng dần chất lượng hoạt động của Ban kiểm soát. Đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố và cấp ủy, chính quyền địa phương các xã có QTD hoạt động thực hiện tốt nhiệm vụ theo quy định; thông tin, phối hợp, hỗ trợ tạo điều kiện cho QTD hoạt động tốt đúng theo pháp luật; xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền nhằm ổn định, đảm bảo an toàn hoạt động các QTD...

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn