Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hạnh vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi

Cập nhật ngày: 25/08/2020 11:38:31

ĐTO - Với ý chí kiên cường, không khuất phục khó khăn của người lính, Cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Hạnh (SN 1955) đã tích cực lao động, sản xuất và trở thành điển hình trong phong trào “Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi” tại địa phương.


Sau bao năm vất vả, hiện Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hạnh (thứ 2 từ trái sang) đã gầy dựng được sự nghiệp ổn định, chăm lo cho con cái học hành đàng hoàng

Qua giới thiệu của Hội CCB xã Tân Nhuận Đông, chúng tôi đến thăm cơ sở thu mua lục bình của gia đình CCB Nguyễn Văn Hạnh tại ấp Tân An, xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành. Trong căn nhà mới xây khang trang, có đầy đủ các thiết bị điện, tiện nghi phục vụ sinh hoạt, vừa rót nước mời khách, ông Nguyễn Văn Hạnh vừa khiêm tốn chia sẻ về những khó khăn, trở ngại từ hai bàn tay trắng mà ông có được cơ ngơi như ngày hôm nay.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại vùng đất Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, tháng 2/1972, theo tiếng gọi quê hương, ông nhập ngũ, tham gia kháng chiến chống Mỹ. Sau 7 năm gắn bó với quân ngũ, năm 1977, ông phục viên trở về và sinh sống tại ấp Tân An, xã Tân Nhuận Đông. Cuộc sống những ngày đầu xây dựng kinh tế của gia đình ông rất khó khăn, không đất sản xuất, 5 nhân khẩu ở trong cái chòi dưới mé sông, rong ruổi buôn bán “chạy gạo từng bữa”. “Những suy nghĩ về việc lựa chọn hướng phát triển phù hợp để đưa kinh tế gia đình đi lên luôn khiến tôi trăn trở mỗi đêm” - ông Hạnh bộc bạch.

Khoảng năm 2006, có một công ty về địa phương thu mua lục bình khô làm hàng thủ công mỹ nghệ, thấy nghề này khá dễ làm, lại không cần nhiều vốn, chủ yếu lấy công làm lời nên ông Hạnh mạnh dạn mua chiếc ghe cũ để qua miệt Cần Thơ, Phong Hòa cắt lục bình về bán cho công ty. Ông Hạnh cho biết: “Hồi đó còn hoang hóa, lục bình nhiều và dễ kiếm lắm. Mỗi chuyến đi 1 ngày đêm, tôi và đứa con cắt được 3 tấn lục bình mang về phơi khô bán cho công ty, thu nhập cũng khá ổn định”. Nhận thấy công việc này khá ổn định, về sau, ông Hạnh đã chủ động “rủ rê” những đồng chí trong chi hội đi cùng để cải thiện cuộc sống. Thế là nhiều hộ cùng sống bằng nghề cắt, đan lục bình như ông. Đặc biệt, khi nguồn cung ổn định, ông còn kết nối với các công ty mở điểm tại nhà thu mua lục bình thành phẩm của nông dân giao lại cho công ty, từ đó giá trị của cọng lục bình thô tại đây ngày được nâng lên.

Hiện tại, cơ sở ông Hạnh thu mua lục bình khô của người dân với giá 15.000 đồng/kg. Riêng thành phẩm lục bình thắt bính (múi xuôi, múi nổi, múi ngang,...) có giá nâng lên rất nhiều. “Thắt bính lục bình cũng dễ làm, chỉ cần học qua vài lần là có thể thắt được, không phân biệt người lớn hay trẻ em nếu bính nhanh, sản phẩm đạt thì một ngày có thể thu nhập từ 110.000 – 130.000 đồng”, ông Hạnh nói.

Ông Lê Văn Tám - Chi hội trưởng Chi hội CCB ấp Tân An, xã Tân Nhuận Đông cho hay, nhờ việc thu mua sản phẩm lục bình của cơ sở anh Hạnh mà hiện nay bà con trong xã, đặc biệt là hội viên CCB ấp có thu nhập ổn định và khá lên rất nhiều. Hiện trong 30 hội viên ấp thì đa phần đều làm lục bình và giao cho cơ sở thu mua của anh Hạnh, qua đó cũng giúp giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hội viên, bà con trong ấp, xã. “Bên cạnh phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho người dân, điều đáng trân quý đó là ông Hạnh luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội cũng như hỗ trợ vốn để giúp hội viên, Nhân dân địa phương phát triển kinh tế gia đình. Nhiều năm liền, ông luôn tiên phong giúp những hội viên khó khăn bằng cách cho mượn vốn để làm ăn, chủ yếu là buôn bán nhỏ, chăn nuôi gia súc, gia cầm hoặc mua phân bón, vật tư nông nghiệp...; ủng hộ xây dựng 7 cây cầu giao thông nông thôn. Qua đó, đóng góp một phần công sức xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp” - ông Lê Văn Tám - Chi hội trưởng Chi hội CCB ấp Tân An nhận xét.

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn