Đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp

Cập nhật ngày: 27/05/2016 16:05:24

Theo kế hoạch thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp năm 2016, tỉnh đề ra mục tiêu thực hiện chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng củng cố và phát triển các ngành hàng chủ lực. Đồng thời nghiên cứu và tổ chức sản xuất các ngành hàng tiềm năng trong chăn nuôi, hoa màu, cây ăn trái và thủy sản nhằm phục hồi và ổn định tăng trưởng nông nghiệp với chỉ tiêu tăng trưởng của ngành đạt 6,2%/năm. Từng bước hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; chuyển dịch một phần lao động nông thôn ra khỏi khu vực nông nghiệp cũng là mục tiêu đề ra trong năm 2016.

Với mục tiêu đề ra, tỉnh định hướng một số nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện. Trong đó, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền phổ biến chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm tạo sự đồng thuận và thông suốt trong cả hệ thống chính trị, đặc biệt đối với nông dân.

Đối với 5 ngành hàng chủ lực của đề án: lúa gạo, cá tra, xoài, vịt và hoa kiểng đẩy mạnh hỗ trợ thông qua các mô hình, điểm trình diễn giải pháp kỹ thuật sản xuất tiên tiến, hội thảo, diễn đàn hỗ trợ kỹ thuật, hoạt động xúc tiến thương mại kết nối thị trường tiêu thụ. Theo đó, tập trung xây dựng vận hành theo chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo, hoa kiểng và vịt mà tỉnh đang xây dựng thực hiện.

Ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, thay đổi tập quán sản xuất tự phát, hướng đến nền sản xuất sạch, hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh là một trong những giải pháp quan trọng. Trong đó, nhân rộng mô hình sản xuất lúa giảm giá thành ở huyện Tháp Mười trên địa bàn toàn tỉnh.

Ngoài ra, triển khai thực hiện thí điểm các mô hình đổi mới thể chế và đổi mới tổ chức sản xuất nông nghiệp và chính sách nông nghiệp. Trên tinh thần đó, tập trung vào các mô hình hỗ trợ 50% lãi suất thuê đất mở rộng diện tích trên 3ha và san bằng đồng ruộng, mô hình sản xuất cánh đồng lớn, mô hình giảm giá thành sản xuất, mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ và ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất lúa...

Giải pháp kế tiếp là đẩy mạnh công tác kêu gọi hỗ trợ kỹ thuật, đầu tư, xúc tiến thương mại thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Tập trung nội dung triển khai chương trình hợp tác với Hà Lan, Nhật Bản, Tập đoàn phát triển Nông nghiệp Nông thôn Hàn Quốc (KRC), Tổ chức FAO, Tổ chức IDH và Ngân hàng Thế giới.

Cuối cùng là củng cố, phát triển kinh tế hợp tác, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các hợp tác xã, định hướng chuyển đổi hoạt động hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã 2012. Tập trung vào công tác đào tạo cán bộ hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác và xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, định hướng phân bố lại lao động nông thôn thông qua các chương trình đào tạo nghề, xúc tiến việc làm, hợp tác lao động trong và ngoài nước...

K.D

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn