Để người tiêu dùng an tâm với thực phẩm

Cập nhật ngày: 06/07/2016 10:35:34

ĐTO - Vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) đang được người dân quan tâm đặc biệt. Để người dân an tâm dùng thực phẩm, các ngành chức năng trong tỉnh đã và đang tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.


Đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh kiểm tra tại chợ nông sản TP.Cao Lãnh

Tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm

Theo ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, từ đầu năm, ngành y tế đã phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra ATTP, tập trung vào các vấn đề nổi cộm, bức xúc, đặc biệt đã triển khai nhiều hoạt động nổi bật trong “Tháng hành động vì ATTP” (15/4 - 15/5). Và ngay sau “Tháng hành động vì ATTP”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương đã trực tiếp chỉ đạo Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh về vệ sinh ATTP tiếp tục triển khai “Tháng cao điểm thực hiện công tác bảo đảm ATTP” diễn ra từ ngày 15/5 - 15/6, trên địa bàn toàn tỉnh, với hàng loạt đợt thanh tra, kiểm tra đột xuất.

6 tháng đầu năm, với 160 Đoàn thanh tra (gồm: 147 đoàn chuyên ngành và 13 đoàn liên ngành), đã tổ chức thanh tra trên 9.300 lượt cơ sở, phát hiện 1.689 cơ sở vi phạm và tiến hành xử lý nghiêm nhiều trường hợp vi phạm với mức phạt lên đến hàng chục triệu đồng để răn đe. Điển hình, trong “Tháng hành động vì ATTP”, Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh đã đến kiểm tra và tiến hành xử phạt hành chính 35 triệu đồng đối với cơ sở sản xuất hủ tiếu của bà Trương Thị Loan (số 988, Phạm Hữu Lầu, phường 6, TP.Cao Lãnh), với hành vi sản xuất thực phẩm sử dụng phụ gia, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm ngoài danh mục được phép sử dụng. Đoàn thanh tra đột xuất chuyên ngành quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (thuộc Sở NN&PTNT) phạt hành chánh về hành vi sử dụng hóa chất hàn the sản xuất chả cá của cơ sở mua bán phế phẩm cá và sản xuất chả cá Nguyễn Thị Ngọc Tuyết (ấp Tân Lợi, xã Tân Quy Tây, TP.Sa Đéc) với số tiền 30 triệu đồng. Ngoài 2 cơ sở vừa nêu, các Đoàn kiểm tra còn tiến hành xử lý vi phạm 50 cơ sở với hình thức phạt tiền (tổng số tiền phạt trên 230 triệu đồng), kết hợp các hình thức phạt bổ sung và khắc phục hậu quả như: đình chỉ hoạt động, đình chỉ lưu hành sản phẩm, buộc khắc phục về nhãn sản phẩm, viết cam kết và bị tiêu hủy hoặc tự hủy sản phẩm.

Không chỉ Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở NN&PTNT, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh) cũng tích cực tham gia đảm bảo công tác vệ sinh ATTP. Thượng tá Nguyễn Thành Sự - Phó trưởng Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường cho biết: “Từ đầu năm đến nay, lực lượng trinh sát của đơn vị đã tiến hành theo dõi xử lý đình chỉ hoạt động và xử phạt hành chính 6 cơ sở vi phạm pháp luật về ATTP với hành vi sử dụng hóa chất hàn the sản xuất, chế biến thực phẩm, tổng số tiền phạt gần 170 triệu đồng”.

Khó khăn trong công tác quản lý, thanh tra kiểm tra

Dù đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra nhưng công tác đảm bảo vệ sinh ATTP trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thật sự hiệu quả và triệt để. Theo ông Đoàn Tấn Bửu, khó khăn chung của các ngành là đội ngũ đảm nhận quản lý ATTP các cấp vừa thiếu, vừa yếu. Trang thiết bị phục vụ công tác kiểm nghiệm, phân loại chất lượng thực phẩm chưa được trang bị đầy đủ. Vướng mắc khi áp dụng các quy định, hướng dẫn của Trung ương như: một số văn bản hướng dẫn thực hiện của các bộ thiếu đồng bộ, chậm ban hành, hoặc đã ban hành nhưng không phù hợp tình hình thực tế của địa phương. Đặc biệt, bà con trên địa bàn tỉnh phần lớn nuôi trồng, sản xuất, chế biến, kinh doanh nhỏ lẻ gây rất nhiều khó khăn cho các ngành chức năng trong công tác quản lý. Các loại hóa chất ngày càng đa dạng về chủng loại, trong khi năng lực kiểm nghiệm tại địa phương có giới hạn nên công tác định danh các loại hóa chất không theo kịp nhu cầu công tác thanh tra. Các hành vi vi phạm về vệ sinh ATTP có khi có xu hướng phức tạp, rất khó phát hiện như hành vi bơm nước vào gia súc trước khi giết mổ,... Trong khi đó, ý thức của cơ sở nuôi trồng, sản xuất, kinh doanh về tác hại của hóa chất trong chế biến thực phẩm đối với sức khỏe giống nòi chưa cao. Các đối tượng vi phạm đa phần là những hộ kinh doanh cá thể có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, địa điểm kinh doanh không cố định nên công tác xử lý các hành vi vi phạm có những khó khăn nhất định. Về phía người tiêu dùng, nhiều người còn ý thích lựa chọn những loại thực phẩm có màu sắc sặc sỡ, bắt mắt đã góp phần cổ vũ cho hành vi sử dụng hóa chất trong chế biến thực phẩm.

Các giải pháp quản lý triệt để

Theo các ngành chức năng, vấn đề nguồn nhân lực và chất lượng nguồn nhân lực, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý ATTP là vấn đề cần phải tập trung tháo gỡ sớm trong thời gian tới để tạo thuận lợi cho công tác giám sát ATTP. Bởi hiện nay, lực lượng làm công tác quản lý ATTP của các ngành đa số là kiêm nhiệm, đặc biệt tuyến huyện và tuyến xã không có cán bộ chuyên trách về ATTP. Do đó, không đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ của ngành như: quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn chưa sâu sát nên việc thống kê, cập nhật số liệu cơ sở thực phẩm do ngành quản lý chưa được thường xuyên, liên tục; chưa kịp thời phát hiện, cảnh báo, xử lý các trường hợp vi phạm các quy định về ATTP. Đặc biệt, vì thiếu trang thiết bị, nhiều trường hợp phải gởi mẫu đi xét nghiệm ở TP.Cần Thơ hoặc TP.Hồ Chí Minh để kiểm nghiệm, mất nhiều thời gian nên khi có kết quả xác định sản phẩm nào đó không đạt chất lượng thì chúng đã được phân phối rộng rãi trên thị trường. Bên cạnh đó, cấp có thẩm quyền cần xem xét, bố trí đủ kinh phí cho công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn.

Các ngành chức năng cũng đã đề ra nhiều giải pháp để quản lý ATTP. Trong đó, giải pháp chung là củng cố lại Ban Chỉ đạo vệ sinh ATTP các cấp. Các ngành sẽ duy trì thường xuyên công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn cách chọn mua, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn, vệ sinh cá nhân trong việc phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm; phổ biến kiến thức pháp luật về ATTP cho đối tượng là người sản xuất - chế biến, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm, hướng dẫn sử dụng thực phẩm và phụ gia thực phẩm đúng cách và an toàn;...

Ngoài ra, ngành công thương sẽ xây dựng hệ thống cảnh báo và phân tích nguy cơ ATTP làm cơ sở cho công tác quản lý ATTP dựa vào bằng chứng; hình thành hệ thống cảnh báo nhanh và phân tích nguy cơ làm cơ sở khoa học cho công tác quản lý ATTP theo hướng dẫn của Bộ Công Thương; phối hợp ngành nông nghiệp thí điểm các quầy hàng đảm bảo ATTP ở các chợ. Ông Nguyên Văn Công - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Ngành sẽ đẩy mạnh công tác hướng dẫn bà con sản xuất nông, lâm, thủy sản theo hướng an toàn; vận động bà con sản xuất nhỏ lẻ liên kết lại thành lập tổ hay hợp tác xã để các cơ quan chức năng dễ quản lý và đề nghị tỉnh phê duyệt mở thêm 5 - 7 lò giết mổ để khắc phục tình trạng giết mổ nhỏ lẻ không đảm bảo an toàn”.

Tin rằng, sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng cùng với những giải pháp đã, đang thực hiện, công tác đảm bảo vệ sinh ATTP trên địa bàn tỉnh sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, để mọi người, mọi nhà an tâm dùng thực phẩm.

BÍCH LIỄU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn