Đồng Tháp: Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 6,02%
Cập nhật ngày: 05/07/2016 13:49:51
ĐTO - Ngày 5/7, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương chủ trì cuộc họp trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ những tháng cuối năm 2016.

Các đại biểu dự họp tại điểm cầu tỉnh
6 tháng đầu năm, kinh tế - xã hội của tỉnh có bước phát triển tương đối khá. Ước tính tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,02%. Trong đó, khu vực nông nghiệp tăng 3,2%, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 5,6%, khu vực thương mại - dịch vụ tăng 9,44%.
Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh đã tập trung chỉ đạo sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật; các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất được củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, từ đó đảm đương được vai trò đầu mối dẫn dắt nông dân liên kết sản xuất theo tín hiệu thị trường và liên kết với các doanh nghiệp để khép kín từ khâu cung ứng vật tư đầu vào, hướng dẫn kỹ thuật canh tác đến khâu tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu…
Toàn tỉnh thu hút 35 nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh, tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 23 dự án, nâng tổng số dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư là 277 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư 26.022 tỷ đồng. Nhờ đẩy mạnh chương trình khởi nghiệp, nên số lượng doanh nghiệp ngày càng tăng, 6 tháng đầu năm đã có 214 doanh nghiệp thành lập mới, nâng tổng số nâng tổng số lên 4.233 doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực nông nghiệp do tình hình thời tiết không thuận lợi đã làm năng suất lúa vụ Đông Xuân giảm 2,5 tạ/ha so với vụ cùng kỳ, ước tổng sản lượng lúa 6 tháng đầu năm của tỉnh đạt trên 2 triệu tấn, giảm 1,64% so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Văn Dương đánh giá, từ đầu năm đến nay nhờ có sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, địa phương đã góp phần giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức tăng trưởng khá. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra, từ nay đến cuối năm các ngành chuyên môn cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để cùng với các địa phương tháo gỡ các khó khăn của ngành quản lý, nhất là giải quyết khó khăn vướng mắc trong lĩnh vực thu hút đầu tư.
Riêng ngành nông nghiệp và các địa phương cần rà soát lại các sản phẩm nông sản để có giải pháp tổ chức sản xuất hợp lý; tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp; tổ chức liên kết theo từng ngành hàng; nhân rộng các mô hình, phương cách làm ăn hiệu quả, giảm chi phí sản xuất.
MN