Đô thị hóa đồng hành với công nghiệp hóa

Cập nhật ngày: 13/01/2016 12:40:47

Theo Đồ án quy hoạch xây dựng vùng của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến nay toàn bộ 15 đô thị trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt quy hoạch chung, các địa phương đã và đang có nhiều nỗ lực đầu tư xây dựng và phát triển.

Xây dựng và phát triển đô thị chính là sự phát triển hài hòa giữa kinh tế, môi trường và xã hội với mục tiêu cuối cùng là đời sống cư dân đô thị được nâng lên về chất lượng cả tiện nghi trong cuộc sống và hạnh phúc. Đến năm 2015, tỉnh có 15 đô thị, gồm 2 đô thị loại III: TP.Cao Lãnh, Sa Đéc; 4 đô thị loại IV: TX.Hồng Ngự, thị trấn Mỹ An, Lấp Vò, Mỹ Thọ; 9 đô thị loại V: thị trấn Sa Rài, Tràm Chim, Thanh Bình, Lai Vung, Cái Tàu Hạ và các trung tâm xã Định Yên, Vĩnh Thạnh, Trường Xuân và Thường Thới, xã dự kiến thành lập mới.

Hiện nay, tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu so với đất xây dựng đô thị của đồ án quy hoạch chung chiếm 75%, đặc biệt đối với 2 đô thị lớn của tỉnh đạt tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu rất cao, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý xây dựng và kiến trúc cảnh quan đô thị. Công tác đầu tư cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp đô thị được quan tâm, hướng đến việc kiểm soát phát triển đô thị bảo đảm phù hợp với các quy định của Trung ương; đánh giá được tiềm năng, xác định được khu vực phát triển để có kế hoạch đầu tư cho từng đô thị. Tỉnh đã triển khai thực hiện một số dự án để ứng phó với biến đổi khí hậu, như hệ thống đê bao bảo vệ đời sống người dân; xử lý ô nhiễm môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu trong khu đê bao vượt lũ; bờ kè, chống xói lở kết hợp đường ven sông Tiền; dự án khắc phục sạt lở sông Tiền... Đồng thời, tỉnh đang triển khai thực hiện một số dự án trọng điểm làm nền tảng cho việc phát triển đô thị như các trung tâm thương mại, trung tâm tài chính trên địa bàn TP.Cao Lãnh, Sa Đéc, TX.Hồng Ngự, huyện Lấp Vò.

Tuy nhiên, về chất lượng dự báo nhu cầu xây dựng của các ngành, lĩnh vực cho các dự án đầu tư để đưa vào quy hoạch đôi khi chưa được tính toán khoa học, chưa sát với dự báo phát triển kinh tế - xã hội, dẫn tới việc thường xuyên điều chỉnh đồ án quy hoạch. Nguồn tài chính của ngân hàng còn hạn chế, không bố trí đủ vốn cho các dự án quy hoạch, việc triển khai thực hiện còn chậm. Hệ thống giao thông đường bộ qua các địa bàn trong tỉnh chưa được đầu tư hoàn chỉnh, nên phần nào cũng ảnh hưởng đến việc phát triển đô thị địa phương. Việc thực hiện xã hội hóa trong phát triển đô thị cũng còn hạn chế; năng lực quản lý đô thị của chính quyền các cấp chưa theo kịp nhu cầu phát triển thực tế; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong lĩnh vực quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị hiện nay còn thiếu và chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đây là những hạn chế cần phải có những giải pháp điều chỉnh và khắc phục trong những năm tới trong quá trình phát triển đô thị.

Phát triển đô thị là người bạn đồng hành của công nghiệp hóa, quá trình đô thị hóa cũng là quá trình biến đổi sâu sắc về cơ cấu sản xuất, cơ cấu nghề nghiệp, cơ cấu tổ chức sinh hoạt xã hội, cơ cấu tổ chức không gian kiến trúc xây dựng từ dạng nông thôn sang thành thị... Điều quan trọng là phát triển đô thị phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch vùng của tỉnh, các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, đảm bảo an ninh quốc phòng và phát triển bền vững; phát triển đô thị gắn với phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và bảo vệ cảnh quan, môi trường; kết hợp giữa cải tạo, nâng cấp các đô thị cũ và xây dựng các đô thị mới phù hợp với đặc thù phát triển của từng vùng.

HOAN HUYỀN

 

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn