Đường đến sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững

Cập nhật ngày: 11/02/2016 07:02:33

Ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) trong các quy trình sản xuất được xem là giải pháp quan trọng giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và xuất khẩu. Tại Đồng Tháp, hiệu quả từ việc ứng dụng KH&CN ở lĩnh vực nông nghiệp đã dần tác động làm thay đổi tập quán của nông dân, hướng đến sản xuất hàng hóa an toàn, chất lượng.


Ngành hàng hoa kiểng tỉnh nhà đáp ứng được nhu cầu, thị trường khó tính

Khơi dậy tiềm năng và thế mạnh

Hoạt động nghiên cứu ứng dụng KH&CN ở lĩnh vực nông nghiệp của địa phương thời gian qua mang lại kết quả nổi bật. Đáng chú ý như Đề tài “Xây dựng quy trình sản xuất xoài cát chu Cao Lãnh đạt chứng nhận GlobalGAP tại huyện Cao Lãnh” (Hợp tác xã (HTX) Xoài Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh) do Viện Cây ăn quả miền Nam và Tiến sĩ Nguyễn Văn Phong làm chủ nhiệm.

Dấu ấn đậm nét của mô hình là xoài đạt chứng nhận GlobalGAP mang lại lợi nhuận cao hơn. Đến nay, diện tích xoài của nông dân thực hiện theo hướng GAP có giá bán cao hơn xoài sản xuất theo phương pháp truyền thống; được Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu cấp mã số vùng trồng xoài xuất khẩu sang NewZealand, mở rộng thị trường cho sản phẩm xoài Đồng Tháp xuất ngoại (Nhật Bản, Hàn Quốc, NewZealand...). Với nhiều ưu thế vượt trội về tiềm năng và thế mạnh, xoài cát chu Cao Lãnh trở thành sản phẩm nổi bật của địa phương.

Cũng được thực hiện trên địa bàn huyện Cao Lãnh, Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng xoài rải vụ huyện Cao Lãnh” do Trường Đại học Cần Thơ chủ trì và Phó giáo sư Tiến sĩ (PGS.TS) Trần Văn Hâu làm chủ nhiệm. Ưu điểm vượt trội của dự án là giúp nông dân chủ động thời gian thu hoạch, tránh tình trạng mất giá khi thu hoạch đồng loạt theo mùa vụ, từ đó thu nhập cho người trồng xoài tăng lên.

Ở nhóm cây có múi, ngành nông nghiệp thực hiện chuyển giao các giống sạch bệnh bằng kỹ thuật vi ghép, quy trình quản lý bệnh vàng lá chết cây do nấm Fusarium, quy trình quản lý dinh dưỡng trên vườn cam quýt; thực hiện chứng nhận VietGAP trên quýt hồng và cây nhãn. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp đã chuyển giao các giống nhãn chống chịu bệnh chổi rồng, quy trình xử lý hoa trái vụ. Nhãn của Đồng Tháp hiện được xuất khẩu qua Mỹ, Châu Âu.

Trao đổi về ứng dụng KH&CN vào quy trình sản xuất cây ăn trái, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa - Viện trưởng Viện cây ăn quả miền Nam nhận định: “Mô hình sản xuất đạt tiêu chuẩn GAP góp phần rất lớn trong sản xuất an toàn. Đây là mô hình sản xuất bền vững trong tương lai, nó gắn liền với HTX, tổ hợp tác kiểu mới. Từ mô hình sẽ cắt bỏ được các khâu trung gian trong chuỗi cung ứng, giúp tăng giá trị cho từng nhân tố trong chuỗi, làm tăng giá trị gia tăng cho từng mặt hàng, giảm thiểu dịch hại tấn công và phát triển thành dịch”.

Hướng đến nền nông nghiệp an toàn, bền vững

Bàn đến việc sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững, PGS.TS Võ Thị Thanh Lộc (Viện Nghiên cứu Phát triển đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Đại học Cần Thơ) chia sẻ: “Việc làm cấp bách hiện nay của các tỉnh trong tái cơ cấu nền nông nghiệp theo cách tiếp cận chuỗi giá trị là quan tâm, hỗ trợ cũng như tìm kiếm và khuyến khích công ty về đầu tư vùng nguyên liệu cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Không có điều này là không có cụm từ ổn định và bền vững lâu dài. Có như vậy mới hướng nông dân làm theo yêu cầu thị trường trong hiện tại và hình thành thói quen sản xuất nông nghiệp tốt trong tương lai”.

Thiết lập mô hình liên kết chặt chẽ 4 nhà để tiêu thụ lúa hàng hóa là thành công lớn nhất của Đề tài “Xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa hàng hóa chất lượng cao theo hướng GAP tại Đồng Tháp” do Trường Đại học Cần Thơ chủ trì và PGS.TS Nguyễn Ngọc Đệ làm chủ nhiệm. Đề tài đã xây dựng thành công mô hình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao đạt chứng nhận VietGAP, với sự tham gia tích cực của cộng đồng nông dân tại HTX Tân Cường, xã Phú Cường, huyện Tam Nông. Với quy mô 62,5ha có 26 hộ tham gia đã tạo ra hiệu quả kinh tế nhất định khi năng suất và chất lượng tăng lên nhờ áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến, giảm chi phí đầu vào và tăng giá trị sản phẩm đầu ra. Điểm ưu việt là tạo ra được mối liên kết chặt chẽ giữa HTX Tân Cường với doanh nghiệp đầu vào và doanh nghiệp đầu ra, bảo đảm bao tiêu với giá cao hơn lúa thương phẩm cùng loại.

Được xem là điểm sáng về ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN vào sản xuất, Dự án “Chuyển giao quy trình sản xuất nhanh chế phẩm nấm xanh Ometar ở quy mô nông hộ và xây dựng mô hình ứng dụng Ometar trong phòng trừ rầy nâu hại lúa tại tỉnh Đồng Tháp” do Viện lúa ĐBSCL chủ trì và Tiến sĩ Nguyễn Thị Lộc làm chủ nhiệm mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực. Quy trình được chuyển giao để tự sản xuất ở quy mô nông hộ ứng dụng cho 594,95ha lúa ở 5 huyện của tỉnh, quy trình được đánh giá là giải pháp hữu hiệu trong việc phòng trừ rầy nâu hại lúa, tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, không gây ô nhiễm môi trường.

Với ngành hàng hoa kiểng, thời gian qua Trung tâm ứng dụng Nông nghiệp công nghệ cao đầu tư nâng cấp phòng nuôi cấy mô đã cung cấp nhiều giống hoa kiểng cho nông dân theo yêu cầu thị trường. Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng hướng dẫn nông dân sản xuất rau theo hướng an toàn. Tiêu biểu là vùng sản xuất rau an toàn xã Long Thuận (huyện Hồng Ngự), Tổ hợp tác rau an toàn Định An (ấp An Ninh, xã Định An, Lấp Vò)... Riêng ngành nuôi trồng thủy sản, việc áp dụng KH&CN tập trung vào 3 đối tượng chính (cá tra, cá lóc, tôm càng xanh). Đến nay, mặt hàng cá tra có trên 95% vùng nuôi được chứng nhận sản xuất an toàn; các nhà máy chế biến cá tra như Vĩnh Hoàn, Hùng Cá đã xây dựng vùng nguyên liệu ổn định và tận dụng các phế phẩm để sản xuất collagen, dầu cá, phân bón sinh học...

Theo Sở KH&CN Đồng Tháp, thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các viện, trường, các ngành, các cấp trong tỉnh để lựa chọn nội dung nghiên cứu, ứng dụng. Tập trung triển khai nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất những cây, con chủ lực của tỉnh, hình thành những vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn; xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả ở các xã nông thôn mới, các HTX...

Vai trò của KH&CN, kỹ thuật canh tác tiên tiến, giống mới góp phần quan trọng để lĩnh vực sản xuất nông nghiệp tiếp cận và đáp ứng được thị trường khó tính của thế giới. Chính vì vậy, thời gian tới, ngoài cơ chế, chính sách hợp lý, KH&CN sẽ tiếp tục đóng vai trò chủ lực trong ổn định sản xuất; đưa nền nông nghiệp có cơ cấu thích hợp theo hướng chất lượng, an toàn và bền vững, tăng lợi thế cạnh tranh trên trường quốc tế, mang lại lợi ích cao cho người dân và đất nước - Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam - nhận định.

Thanh Hiền

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn