Gầy dựng thương hiệu gạo Việt

Cập nhật ngày: 06/11/2020 08:14:15

ĐTO - Trước đây, gạo thơm ST25 đại diện của Việt Nam dự thi gạo ngon thế giới và đã giành được giải nhất. Điều này cho chúng ta tin tưởng rằng nền nông nghiệp nước nhà đủ sức sản xuất ra hạt gạo thơm ngon phục vụ người tiêu dùng ở các quốc gia khó tính bậc nhất thế giới.

Mới đây, Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam tổ chức cuộc thi gạo ngon Việt Nam lần 2 năm 2020 diễn ra tại TP.Hồ Chí Minh. Cuộc thi có sự tham gia của các đơn vị với 14 sản phẩm gạo thơm và gạo nếp. Kết quả, giải nhất thuộc về giống gạo ST25 của Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí, giải nhì thuộc về gạo Thiên Vương của Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, 2 giải ba thuộc về giống OM8 của Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long và giống Đài Thơm 8 của Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam.

Rõ ràng, dòng gạo thơm ngon giành giải cao đạt chất lượng thương mại, được chọn dự thi gạo ngon quốc tế để phát triển thương hiệu gạo Việt. Việc sản xuất gạo ngon góp phần làm tăng giá trị kinh tế nông nghiệp, mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân.

Trong đó, giống Đài Thơm 8 vừa đạt giải ba có công ty đặt tại Cụm công nghiệp Trường Xuân (huyện Tháp Mười). Được biết, nhà máy đáp ứng việc chế biến hạt giống hiện đại hàng đầu Việt Nam với thiết bị và công nghệ hiện đại, quy trình khép kín chất lượng hạt giống đạt tiêu chuẩn cao, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.

Nhìn rộng ra, Đồng Tháp là tỉnh nông nghiệp với diện tích sản xuất lúa gạo lớn, đóng góp quan trọng cho an ninh lương thực quốc gia. Những năm gần đây, nhiều công ty, hợp tác xã ở Đồng Tháp đã chú trọng đầu tư vùng sản xuất lúa để tạo ra hạt gạo sạch, ngon, an toàn phục vụ người tiêu dùng. Năm 2019, Hội Nông dân tỉnh tổ chức hội thi gạo ngon Đồng Tháp đã trao giải nhất cho giống gạo ST24 của Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp Đồng Tháp Mười, giải nhì cho giống gạo Nàng Hoa 9 của Công ty TNHH Phương Minh Đồng Tháp, giải ba cho giống Jasmine 85; giống gạo Đài Thơm 8 và gạo Nhật Akila Komachi.

Như vậy, về cơ bản Đồng Tháp có điều kiện đầu tư, quy hoạch vùng sản xuất lúa gạo chất lượng cao để tạo ra hạt gạo ngon vươn ra tầm thế giới là điều có thể trong tầm tay. Điều này, còn thực hiện đúng với chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở nước ta hiện nay.

Nhiều người cho rằng, Việt Nam là quốc gia có số lượng gạo xuất khẩu cao so với nhiều nước nhưng chưa có nhiều thương hiệu gạo có tiếng tăm để “ghi điểm” trong mắt người tiêu dùng khó tính trên thế giới. Do vậy, chúng ta cần chú trọng gầy dựng thương hiệu gạo Việt cho hiện tại và cả tương lai, nếu không muốn bị các nước vượt qua mặt.

DƯƠNG ÚT

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn