Học tập từ mô hình kinh tế tập thể Ibaraki

Cập nhật ngày: 20/07/2016 15:11:20

ĐTO - Đoàn công tác tỉnh Ibaraki (Nhật Bản) vừa đến thăm và chia sẻ trao đổi kinh nghiệm về phát triển kinh tế tập thể với tỉnh nhà. Dịp này, các Hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh có cơ hội học hỏi những cách làm hay từ nước bạn để áp dụng vào thực tế đơn vị mình.


Các Hợp tác xã tiến đến xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi nhằm tạo ra giá trị mới cho nông sản

Tự sản xuất, tự chịu trách nhiệm

Trong chuyến thăm Đồng Tháp, chuyên gia tỉnh Ibaraki đã khảo sát một số HTX trên địa bàn tỉnh. Theo ông Itoga Hidenori (Phó Giám đốc Trung tâm viện trợ giúp đỡ các doanh nghiệp, Liên đoàn HTX Nông nghiệp tỉnh Ibaraki), ấn tượng nhất đối với đoàn là mô hình hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX Nông nghiệp dịch vụ Tân Cường với 9 dịch vụ cung cấp cho xã viên. Đồng thời, việc liên kết đầu ra, đầu vào của HTX với doanh nghiệp cũng mang lại những dấu ấn cho các chuyên gia tỉnh Ibaraki.

Đoàn công tác tỉnh Ibaraki cũng chỉ ra những điểm yếu của các HTX tỉnh nhà là nguồn nhân lực hạn chế về trình độ và kỹ năng quản lý, xã viên vẫn còn nặng tâm lý làm ăn riêng lẻ, tính liên kết hợp tác còn thấp... Với những thiếu sót của HTX tỉnh nhà, đoàn công tác Ibaraki hứa sẽ hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho tỉnh. Trước tiên là đoàn sẽ hỗ trợ chuyên viên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kiến thức quản lý điều hành HTX của tỉnh Ibaraki. Sau đó, những chuyên viên này sẽ truyền đạt lại kiến thức cho các HTX tỉnh nhà.

Nhằm giúp tỉnh nhà phát triển lĩnh vực kinh tế hợp tác, đoàn công tác Ibaraki chia sẻ với tỉnh những kinh nghiệm về quản lý, phát triển các HTX của họ. Theo ông Itoga Hidenori, phần lớn bà con sản xuất nông nghiệp tỉnh Ibaraki đều tham gia vào HTX để cùng mua chung vật tư nông nghiệp phục vụ canh tác, sản xuất cùng một loại giống, thực hiện đúng lịch thời vụ, kỹ thuật canh tác. Việc liên kết giữa các xã viên với nhau giúp người nông dân tỉnh Ibaraki hạn chế chi phí đầu tư cao, đảm bảo có lãi lúc cuối vụ. Ngoài ra, sau khi thu hoạch, hình dáng và chất lượng sản phẩm của tất cả xã viên không bị chênh lệch nhiều.

Song song việc liên kết giữa các xã viên thì HTX tại tỉnh Ibaraki luôn tìm những đối tác đầu ra thông qua liên kết với doanh nghiệp. Vấn đề quan trọng nhất đối với HTX và doanh nghiệp chính là chữ tín với nhau. Khác với việc liên kết tiêu thụ trên địa bàn tỉnh, chuyện doanh nghiệp và thành viên HTX bẻ kèo khi kết thúc mùa vụ là chuyện bình thường vì tất cả họ đều bị sức hút từ lợi nhuận chênh lệch giữa giá thị trường và hợp đồng mua bán. Trong khi doanh nghiệp, HTX tại Nhật nếu không giữ chữ tín trong hợp đồng sẽ bị thị trường, đối tác đào thải. Vì vậy, tại Nhật cũng có nhiều trường hợp doanh nghiệp hoặc HTX bị thất bại vì lý do này.

Không chỉ vậy, tất cả xã viên HTX của tỉnh Ibaraki đều phải chịu trách nhiệm trước sản phẩm mình làm ra. Bởi khi sản phẩm lưu thông trên thị trường đều có thể truy xuất được nguồn gốc xuất xứ. Một khi sản phẩm “có vấn đề”, tất cả nông sản của HTX sẽ bị thu hồi. Thông qua trường hợp này, xã viên làm ảnh hưởng đến tập thể  sẽ biết ân hận trước việc làm của mình và các thành viên còn lại sẽ cẩn trọng hơn cho những mùa vụ sau.

Theo ông Kubo ta Noriyuri - Trưởng phòng kinh doanh nông lâm hải sản tỉnh Ibaraki, động lực giúp người nông dân, HTX phát triển phải kể đến công tác khuyến nông. Cán bộ khuyến nông sẽ chịu trách nhiệm xuống tận cơ sở để hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật, tổ chức hội thảo, xây dựng thương hiệu... Đồng thời, họ còn hướng dẫn nông dân, HTX  xây dựng những kế hoạch mang tính khả thi cao để tiếp cận vốn tín dụng.

Thay đổi để phát triển

Qua việc chia sẻ kinh nghiệm về phát triển kinh tế tập thể của đoàn công tác tỉnh Ibaraki, dù chưa phải là giải pháp hoàn hảo nhưng phần nào đã gợi mở hướng đi mới cho HTX tỉnh nhà. “Ấn tượng nhất với tôi là HTX nước bạn tự sản xuất và tự chịu trách nhiệm về nông sản của mình. Việc làm trên thể hiện trách nhiệm của người sản xuất đối với người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu thị trường” - ông Nguyễn Tiền Giang, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Phú Đông nói.

Ông Tạ Văn Bông - Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Bình cho rằng, hướng đến sản xuất bền vững thì yếu tố liên kết giữa doanh nghiệp và HTX không thể tách rời. Từ kinh nghiệm phát triển HTX mà nước bạn giới thiệu, HTX Tân Bình sẽ xây dựng kế hoạch vận động, tuyên truyền đến các xã viên cần giữ chữ tín trong liên kết, không vì lợi nhuận trước mắt mà phá vỡ hợp đồng. Đồng thời, tiến đến xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi nhằm tạo ra giá trị mới cho nông sản.

Riêng ông Nguyễn Thành Hưng - Phó Giám đốc HTX nông nghiệp dịch vụ Tân Cường thì học hỏi ở Nhật Bản cách thức quảng bá thương hiệu sản phẩm. Ông Hưng cho biết: “Thời gian tới, HTX Tân Cường tiếp tục nâng cao vai trò của HTX trong xây dựng quảng bá sản phẩm để người tiêu dùng từng bước biết đến thương hiệu gạo Tân Cường nhiều hơn”.

Theo ông Itoga Hidenori, việc học hỏi những điều hay từ mô hình khác chỉ nhằm bổ trợ cho việc xây dựng, điều hành HTX của đơn vị hoàn hảo thêm. Yếu tố quan trọng nhất để HTX Ibaraki và các HTX tỉnh nhà thành công chính là mỗi đơn vị HTX phải tự xây dựng ý tưởng và nỗ lực không ngừng để hoàn thiện mình.

K.D

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn