Hướng đi mới từ mô hình sản xuất gạo sạch
Cập nhật ngày: 14/03/2016 14:26:02
Sau khi 2ha lúa sạch của anh Võ Văn Tiếng (SN 1991, ngụ ấp Thượng, xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) sản xuất thành công, đại diện chính quyền địa phương, ngành nông nghiệp huyện Hồng Ngự đã đến khảo sát ruộng lúa để nhân rộng mô hình trong vụ hè thu ở Hợp tác xã Phước Tiền.

Võ Văn Tiếng (bìa phải) trao đổi quy trình sản xuất lúa sạch
Trong khi nhiều nông dân sản xuất lúa, sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và phân bón hóa học nhằm tăng năng suất, anh Tiếng lại sản xuất lúa “nói không” với thuốc BVTV và phân bón đang được sự quan tâm chú ý của dư luận. Vụ đông xuân 2015 - 2016, anh Tiếng chọn sản xuất giống lúa Nàng Hoa 9 trên diện tích 2ha. Anh Tiếng dùng biện pháp canh tác là đắp bờ bao lửng xung quanh, cho nước vào ruộng và thả cá, vịt để tiêu diệt các loại sâu bệnh. Đặc biệt, ruộng lúa của anh Tiếng không sử dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV. Sau hơn 3 tháng chăm sóc, anh Tiếng thu hoạch lúa ước năng suất đạt 5,7 tấn/ha (khoảng 70 - 80% năng suất sản xuất lúa truyền thống). Với quy trình khép kín cho ra sản phẩm gạo sạch, anh Tiếng đã xây dựng nhãn hiệu gạo sạch Tâm Việt cung cấp cho thị trường TP.Hồ Chí Minh. Ước tính 2ha đất lúa của vụ đông xuân 2015 - 2016, anh Tiếng cung ứng ra thị trường hơn 5 tấn gạo sạch với giá bán 28.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí, anh Tiếng thu lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng.
Việc sản xuất lúa sạch đạt năng suất còn chênh lệch so với sản xuất lúa truyền thống, nhưng anh Tiếng đã đạt được tâm nguyện là cung cấp sản phẩm gạo sạch cho người tiêu dùng sử dụng, an toàn cho sức khỏe. “Mục đích của tôi là hướng tới sản phẩm gạo sạch, trước hết là tạo ra sản phẩm cho gia đình và người tiêu dùng sử dụng. Tôi làm vì uy tín và chất lượng, chứ không vì lợi nhuận trước mắt. Với mô hình sản xuất lúa sạch của tôi, các bạn trẻ có thể lựa chọn để lập nghiệp trên chính quê hương của mình” - anh Tiếng chia sẻ.
Hiện tại, UBND huyện Hồng Ngự đang có chủ trương thực hiện mô hình sản xuất lúa sạch trong vụ hè thu năm 2016 với diện tích thí điểm 10ha, tại Hợp tác xã Phước Tiền. Chủ trương này đang được nông dân trong hợp tác xã đồng tình, hưởng ứng. Ông Nguyễn Kỳ Phùng - Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Hồng Ngự cho biết: “Ban đầu, địa phương chỉ thí điểm vài điểm vì còn phụ thuộc vào thị trường. Chúng tôi khuyến cáo nông dân không sản xuất ồ ạt, tự phát. Bước đầu thí điểm, nếu có hiệu quả thì địa phương tiếp tục mở rộng thêm diện tích sản xuất. Để khuyến khích nông dân áp dụng mô hình sản xuất lúa sạch của Tiếng, từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp, huyện sẽ hỗ trợ cho nông dân một phần kinh phí sản xuất”.
Mô hình sản xuất lúa sạch là kết quả đúc kết kinh nghiệm của quá trình “du mục” hơn 8 tháng của anh Tiếng. Khoảng thời gian ấy, anh Tiếng cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với bà con nông dân các vùng từ Nam ra Bắc. Việc thực hiện thành công mô hình sản xuất lúa sạch đã cung cấp cho thị trường sản phẩm nông sản sạch. Mặt khác, hướng đi mới này đã thôi thúc một số nông dân vốn gắn bó với kiểu sản xuất truyền thống thay đổi tư duy trong sản xuất. Điều đáng trân trọng hơn, nông dân trẻ Võ Văn Tiếng luôn sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân đến những người nông dân khác. “Bình thường, nhiều nông dân trẻ đến học hỏi mô hình của tôi và tôi sẵn sàng hỗ trợ mọi người để cùng phát triển” - anh Tiếng cho biết.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp chỉ có anh Tiếng đang sản xuất lúa sạch. Bước đầu, mô hình được ngành nông nghiệp tỉnh, huyện đánh giá cao như một hướng đi đầy triển vọng. Thực tế, huyện Hồng Ngự cũng nhìn nhận điều kiện sản xuất nông nghiệp của huyện có thể đáp ứng quá trình sản xuất lúa sạch giống như mô hình của anh Tiếng, nhất là hệ thống tưới tiêu, lợi thế nguồn nước đầu nguồn sông Tiền.
Rõ ràng, trong bối cảnh sản xuất lúa tăng vụ như hiện nay, thì việc sản xuất lúa không dùng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật đã làm cho nhiều người nghĩ rằng có vẻ không nghịch lý. Tuy nhiên, qua thực tế sản xuất gạo sạch của anh Tiếng đã mở ra hướng đi mới để người nông dân có thể sản xuất thí điểm và cùng với đó là nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp.
DƯƠNG ÚT