Kiên quyết xử lý hành vi sử dụng chất cấm, chất kháng sinh trong chăn nuôi
Cập nhật ngày: 11/03/2016 13:15:15
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong thời gian qua, việc triển khai công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế do các cơ sở sản xuất - kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ yếu là kinh doanh nhỏ lẻ nên khó kiểm soát, quản lý; nhiều loại hoạt chất thuộc các nhóm thuốc BVTV, chất cấm, thuốc bảo quản chưa có nơi phân tích, kiểm nghiệm...

Ngành nông nghiệp khuyến cáo người chăn nuôi nên kiên quyết nói không với chất cấm
Đại diện Cục Thú y Việt Nam cho biết, trong đợt cao điểm vừa qua, cả nước có 46/63 tỉnh, thành phố tổ chức kiểm tra gần 1.129 cơ sở, giết mổ, chăn nuôi và ghi nhận 24 cơ sở vi phạm (chiếm 2,1%). Qua kiểm tra, phân tích đối với các mẫu nước tiểu vi phạm, biện pháp xử lý là phạt tiền theo quy định và yêu cầu cơ sở vi phạm không được bán vật nuôi cho đến khi lấy mẫu kiểm nghiệm không còn chất cấm.
Ngoài chất cấm trong chăn nuôi, việc sử dụng, lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi và dư lượng thuốc BVTV còn tồn dư trên các loại rau, trái cây cũng là vấn đề đáng quan tâm. Thực tế cho thấy, qua công tác kiểm tra từ đầu năm 2015 đến tháng 2/2016, cả nước đã phát hiện 326/6.166 mẫu rau, quả, trái cây nhiễm chất cấm, dư lượng thuốc BVTV vượt quá giới hạn cho phép; 106/5.433 mẫu thịt và sản phẩm thịt chế biến vi phạm chỉ tiêu hóa chất kháng sinh cấm và vượt giới hạn cho phép; 834/5.433 mẫu thịt vượt chỉ tiêu vi sinh vật; 397/5.048 mẫu thủy sản vi phạm các chỉ tiêu về hóa chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn cho phép. Thực trạng trên là rất đáng báo động.
Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ NN&PTNT phối hợp với Cục C49 (Bộ Công an) thường xuyên bám sát địa bàn, lấy mẫu khảo sát trên thị trường đối với các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi. Qua kiểm tra phát hiện một số địa phương có vi phạm về sử dụng chất cấm, kháng sinh trái phép trong chăn nuôi.
Tại hội nghị trực tuyến về tổng kết triển khai đợt cao điểm hành động Năm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp và triển khai kế hoạch năm 2016, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát phát biểu: “Thời gian qua, người dân hoang mang trong việc sử dụng thực phẩm. Nhiệm vụ của chúng ta là phải bắt tay hành động quyết liệt để chỉ ra cho người dân biết dùng thịt, cá, rau, quả ở đâu là sạch, là an toàn”.
Tại tỉnh Đồng Tháp, theo Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản, lực lượng chức năng của tỉnh đã thanh, kiểm tra 10 cửa hàng kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi; 7 trại chăn nuôi. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng chưa phát hiện chất cấm trong chăn nuôi như: Salubtamol, vàng O... Sở NN&PTNT cũng đã chỉ đạo các đơn vị chuyên ngành tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý cơ sở lưu thông, buôn bán chất cấm trong chăn nuôi theo đúng quy định.
Trong năm 2016, tỉnh Đồng Tháp sẽ triển khai các nội dung cụ thể như: khảo sát, thống kê xúc tiến thương mại, nghiên cứu, dự báo thị trường các sản phẩm an toàn; đề xuất nhân rộng, phát triển các chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn gắn với việc giới thiệu quảng bá cơ sở bán sản phẩm an toàn có xác nhận. Ngoài ra, tổ chức triển khai thực hiện thí điểm xây dựng và duy trì cửa hàng nông sản thực phẩm an toàn tại 3 điểm: TP.Sa Đéc, TP.Cao Lãnh, TX.Hồng Ngự.
Nói về hướng giải quyết trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng: “Trong 4 tháng tới, ngành nông nghiệp phối hợp cùng các ngành liên quan sẽ tập trung kiểm soát và xử lý triệt để chất cấm, tăng cường kiểm tra tình trạng lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và dư lượng thuốc BVTV trên rau, quả. Ngành nông nghiệp sẽ xác định an toàn thực phẩm là mục tiêu số 1 và phải tập trung chọn ra lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm để tập trung chỉ đạo, xử lý”.
Hoài Minh