Không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm

Cập nhật ngày: 01/11/2020 07:32:51

ĐTO - Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản (CN,TY&TS) tỉnh, hiện nay tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh cơ bản được khống chế và kiểm soát. Tuy nhiên, theo dự báo từ đây đến cuối năm thời tiết diễn biến bất thường, quy mô chăn nuôi còn nhỏ lẻ nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất lớn. Để đảm bảo an toàn, hiệu quả trong chăn nuôi, Chi cục CN,TY&TS phối hợp với các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh...


Phun tiêu độc khử trùng nhằm tiêu diệt mầm bệnh trong môi trường gây hại đến đàn vật nuôi

Đẩy mạnh công tác tiêu độc khử trùng

Theo Chi cục CN,TY&TS, toàn tỉnh hiện có 140 ngàn con gia súc và 5,3 triệu con gia cầm (trong đó, tổng đàn heo là 84 ngàn con, trâu là 2.800 con, gà hơn 1,6 triệu con). Trong tháng 5, trên địa bàn tỉnh ghi nhận có một ổ dịch cúm gia cầm H5N1 (300 con gà) tại ấp An Thạnh, xã An Nhơn, huyện Châu Thành. Đối với dịch bệnh dịch tả heo châu Phi, từ đầu năm đến nay xuất hiện 4 ổ dịch. Cụ thể, 1 ổ dịch xuất hiện đầu năm tại xã Tân Thành B, huyện Tân Hồng; tái phát 2 ổ dịch bệnh dịch tả heo châu Phi tại xã Mỹ Thọ và xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh vào tháng 6/2020. Trong tháng 8/2020, xuất hiện 1 ổ dịch mới tại xã Bình Thành, huyện Thanh Bình. Theo đó, tổng số heo bị bệnh là 191 con và tiêu hủy là 159 con.

Trước những diễn biến đó, để phòng ngừa nguy cơ tái phát bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh, Chi cục CN,TY&TS đã phối hợp với các địa phương và đơn vị có liên quan tiến hành tiêu hủy và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, không để dịch bệnh lây lan. Đồng thời, Chi cục cùng các địa phương tổ chức phun tiêu độc khử trùng đại trà, thực hiện tiêm phòng đàn heo. Đặc biệt là vùng có nguy cơ cao, ổ dịch cũ nhằm tiêu diệt mầm bệnh nguy hiểm trong môi trường ảnh hưởng đến đàn vật nuôi.

Là địa phương xuất hiện 2 ổ dịch tả heo châu Phi hồi tháng 6 vừa qua, ông Ngô Thanh Hoàng – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Cao Lãnh cho biết, ngay sau khi dịch bệnh xuất hiện, địa phương đã phối hợp với các lực lượng tiến hành tiêu hủy, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời phun thuốc khử trùng tiêu độc, rải vôi bột toàn bộ chuồng trại, môi trường nơi có dịch xuất hiện. Tính đến nay, huyện đã tiếp nhận và tiến hành tiêu độc khử trùng 2.700 lít Benkocid. Địa phương vẫn đang tiếp tục kiểm tra, rà soát, nhằm sớm phát hiện heo bệnh để có biện pháp xử lí kịp thời. Đồng thời tuyên truyền, vận động người dân tự giám sát dịch tại hộ, khử trùng tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Theo Chi cục CN,TY&TS tỉnh, tính đến ngày 12/8/2020, lượng Benkocid sử dụng để tiêu độc khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi, chợ gia cầm là 70.450 lít. Ngoài ra, các lực lượng thú y cũng tiến hành tiêm phòng các loại bệnh khác trên gia súc. Cụ thể như tiêm phòng dịch tả heo là 25.100 con; tụ huyết trùng là 23.700 con; bệnh tai xanh là gần 6.400 con; lở mồm, long móng tiêm trên 5.300 con... Đồng thời tiến hành tiêm phòng trị bệnh cúm gia cầm 2 đợt với 9,6 triệu liều vắc - xin.

Bên cạnh công tác tiêm phòng, tiêu độc khử trùng, các lực lượng thú y còn thực hiện tốt công tác nhập, xuất heo tại các cửa ngõ. Hiện, tỉnh có 9 chốt chống dịch cố định, gồm 5 chốt nội địa và 4 chốt biên giới. Tính đến thời điểm này, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi được giám sát chặt chẽ, chưa ghi nhận trường hợp gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh nghi mắc bệnh, gây thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi.


Giám sát dịch bệnh trên gia cầm

Tăng cường phòng, chống dịch trong những tháng cuối năm

Hiện nay, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cơ bản được kiểm soát. Theo Chi cục CN,TY&TS tỉnh, dự báo từ nay đến cuối năm, nguy cơ dịch bệnh sẽ diễn biến phức tạp bởi thời tiết thay đổi, tổng đàn gia súc, gia cầm gia tăng, mật độ chăn nuôi cao. Hơn nữa, việc vận chuyển gia súc, gia cầm giữa các địa phương tăng cao vào dịp cuối năm, tình trạng giết mổ nhỏ lẻ còn phổ biến, mầm bệnh còn lưu hành nhiều trong môi trường...

Theo ông Bạch Tuấn Kiệt - Chi cục Phó Chi cục CN,TY&TS tỉnh, từ nay đến cuối năm, nhằm đảm bảo an toàn trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, Chi cục sẽ phối hợp với các địa phương thực hiện tốt công tác tiêm phòng các loại vắc - xin cho đàn gia súc, gia cầm đạt hơn 80% tổng đàn có nguy cơ và đối tượng thuộc diện tiêm phòng; yêu cầu lực lượng thú y địa phương thực hiện việc giám sát chặt chẽ công tác tái đàn heo. Bên cạnh đó, triển khai hiệu quả công tác tiêu độc khử trùng nhằm hạn chế mầm bệnh trong môi trường ảnh hưởng đến đàn gia súc, gia cầm.

Đối với dịch tả heo châu Phi, do loại bệnh này chưa có vắc-xin phòng ngừa, vi-rút dịch bệnh có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp. Đặc biệt, vào dịp Tết, tổng đàn heo có thể tăng cao do người dân tái đàn, phục vụ nhu cầu sử dụng thịt heo để làm thực phẩm. Do đó, Chi cục CNTY&TS tỉnh yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp, người dân không được chủ quan, lơ là, cần phải thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học (mua con giống rõ nguồn gốc, tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại...). Đồng thời thực hiện tốt việc khử trùng xung quanh chuồng trại nhằm hạn chế mầm bệnh lây lan ảnh hưởng đến đàn vật nuôi.

Ông Bạch Tuấn Kiệt cho biết: “Dịch cúm gia cầm có thể lây nhiễm sang người nên công tác tiêm phòng được thực hiện thường xuyên, liên tục. Dự kiến trong tháng 11/2020, việc triển khai tiêm phòng cúm gia cầm đợt 2 sẽ được thực hiện dứt điểm. Bước qua tháng 12/2020, đơn vị sẽ triển khai đợt tiêm phòng cúm cho năm 2021 với mục tiêu nhằm phục vụ thực phẩm an toàn cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán”.

Ngoài các giải pháp trên, Chi cục cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương kiểm tra việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới. Qua đó, nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định. Đồng thời chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư, hóa chất, cung ứng đầy đủ và sẵn sàng trong công tác phòng, chống dịch; kịp thời ngăn chặn, xử lý ổ bệnh dịch tả heo châu Phi phát sinh.

Ông Ngô Thanh Hoàng – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Cao Lãnh thông tin, thời gian tới, huyện tiếp tục phối hợp với các lực lượng chuyên môn giám sát việc tái đàn, tình hình dịch bệnh từng ấp, hộ gia đình. Qua đó, nhằm kịp thời phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ dịch ngay khi xảy ra. Đồng thời yêu cầu các hộ chăn nuôi chủ động khai báo việc tái đàn heo; chủ động tiêm phòng các bệnh trên gia súc, gia cầm để nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi...

“Bên cạnh đó, đơn vị tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức người chăn nuôi trong việc phòng, chống dịch bệnh. Vận động người chăn nuôi khi phát hiện gia súc, gia cầm có biểu hiện bệnh, chết bất thường phải thông báo cho chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn để kiểm tra, xác định bệnh. Không bán chạy, không vứt xác gia súc, gia cầm chết ra môi trường; không giết mổ gia súc, gia cầm bệnh chết làm thực phẩm,...”, ông Ngô Thanh Hoàng cho biết thêm.

Với tinh thần chủ động trong phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm từ tỉnh đến cơ sở, tin rằng việc phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi được đảm bảo, góp phần tích cực vào việc tái đàn trong chăn nuôi theo hướng an toàn, hiệu quả. Đồng thời, đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn cho người dân trên địa bàn tỉnh những tháng cuối năm.

MẪN NHY

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn