Xuống giống đồng loạt...
Cập nhật ngày: 09/03/2016 05:16:43
Gần như trở thành qui luật, khi vào vụ thu hoạch rộ, giá lúa lại giảm.
Lý giải nguyên nhân, có nông dân cho rằng: do xuống giống đồng loạt, vì vậy khi thu hoạch cũng đồng loạt. Hàng ngàn héc ta thu hoạch trong cùng thời điểm, trên một địa bàn, giá lúa không giảm mới là chuyện lạ. Cũng do thu hoạch đồng loạt nên xuất hiện mấy loại “cò”: cò máy gặt đập, cò tiêu thụ lúa... làm giá thành sản xuất tăng lên, theo đó giảm lợi nhuận của nông dân.
Ý kiến trên không phải không có cơ sở. Thực tế đó là sự phản ánh sinh động qui luật cung - cầu trong nền kinh tế thị trường.
Nhưng hiện nay không thể không xuống giống đồng loạt, bởi hầu hết đất trồng lúa đều nằm trong bờ bao bảo vệ, tưới tiêu bằng trạm bơm. Đất trong bờ bao, phải xuống theo giống theo lịch bơm tưới của hợp tác xã. Không như đa số cây ăn trái có thể rải vụ, cây lúa phụ thuộc lớn vào môi trường tự nhiên, do đó xuống giống đồng loạt theo lịch thời vụ là giải pháp để né rầy, dịch bệnh, lũ lụt.
Nhưng chuyện nói trên đặt ra một số vấn đề.
Hiện nay, hầu hết nông dân không có sân phơi lúa. Đem phơi trên đường giao thông thì không được. Dịch vụ sấy lúa còn nhỏ lẻ, công suất khiêm tốn. Nếu phơi sấy, tạm trữ cũng phập phồng lo ngại không biết giá lúa có tăng hay không sau khi đã tốn thêm chi phí, công sức, mặt bằng. Bên cạnh đó là nhu cầu chi tiêu gia đình, trả nợ ngân hàng...
Bán lúa tươi tại ruộng là lựa chọn hàng đầu, dù giá có thấp.
Giải quyết bài toán cung cầu làm sao cho có lợi nhất cho nông dân khi vào mùa thu hoạch rộ là vấn đề đặt ra không chỉ đối với cấp ủy, chính quyền mà là của bản thân nông dân.
Một trong những giải pháp để tái cơ cấu nền nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân là đẩy mạnh liên kết trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nông sản, với liên kết dọc (Nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân) và liên kết ngang (doanh nghiệp - doanh nghiệp, hợp tác xã - hợp tác xã, nông dân - nông dân). Sự phối hợp, hỗ trợ của doanh nghiệp là cần thiết, nhưng hợp tác xã với hạt nhân là nông dân, và nông dân với vai trò chủ thể, đối tượng của Đề án tái cơ cấu nông nghiệp cần chủ động, không trông chờ vào Nhà nước; tìm giải pháp gỡ những bức xúc trong mùa thu hoạch rộ như phương tiện gặt đập, phơi sấy, kho tạm trữ, hợp đồng tiêu thụ...
Để doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân đầu tư vào các dịch vụ trong sản xuất và tiêu thụ lúa hàng hóa, không thể thiếu vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc kêu gọi đầu tư, có chính sách ưu đãi như thuế, tín dụng, mặt bằng...
Xuống giống đồng loạt cần thêm những giải pháp đồng loạt, để câu “được mùa rớt giá” trong sản xuất lúa của nông dân sớm trở thành quá khứ.
Hữu Ý