Lúa đầu nguồn Cửu Long chết hàng loạt vì nhiễm mặn?

Cập nhật ngày: 27/05/2020 15:50:09

Chết hàng loạt. Chết một lần, sạ lại lần 2, thậm chí lần 3 vẫn chưa hết chết. Nạn lúa chết đồng loạt trên diện rộng đã dồn đẩy hàng trăm nhà nông huyện Hồng Ngự vào thế hoang mang khi phát hiện nguyên nhân là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử trồng lúa vùng đầu nguồn sông Cửu Long...


Nông dân sạ lại nhiều lần nhưng lúa vẫn chết

Chết dồn dập vẫn chưa dừng

“Sau xuống giống, cây lúa phát triển bình thường, nhưng ngay cử vô nước đầu tiên, cây lúa chuyển sang màu đỏ... Dù bón, phun nhiều loại thuốc, dinh dưỡng nhưng cây lúa vẫn chết. Chết đồng loạt, chết sạch”- ông Lê Văn Xương (SN 1963), chia sẻ về đám ruộng 50 công tại cánh đồng thuộc địa phận khóm 3, thị trấn Thường Thới Tiền (huyện Hồng Ngự) đã hành ông suốt tháng nay. Bởi sau lần lúa chết đó, ông Xương tiếp tục xuống giống lần 2 với hy vọng tìm chút lời để trả tiền thuê đất, nhưng rồi cây lúa tiếp tục chết sạch sau khi ngốn tổng cộng 60 triệu đồng chi phí. Ông Xương tiếp tục giống lần thứ 3. Cạnh đó, anh Nguyễn Văn Rubi (khóm Thượng 2, xã Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự) cũng đứng ngồi không yên khi 17 công ruộng của anh chỉ trong 1 tháng đã chết 2 lần với những triệu chứng giống như ruộng ông Xương. Đây cũng là tình cảnh của hàng trăm hộ dân đang canh tác lúa tại cánh đồng 2.600ha thuộc thị trấn Thường Thới Tiền và xã Thường Phước 2. Anh Ca Hữu Tâm – người có nhiều kinh nghiệm trồng lúa ở Thường Phước 2 cho biết, qua trao đổi cộng với khảo sát thực tế, bước đầu xác định có cả trăm ha đất có lúa bị chết với diễn biến chung như đất ông Xương. Chỉ cần cây lúa ngã màu là không loại phân thuốc hay kinh nghiệm nào cứu được. Đây là điều chưa từng có trước đó ở vùng đất đầu nguồn sông Cửu Long. Theo ông Tâm, hiện diện tích lúa chết với triệu chứng lạ tập trung chủ yếu tại 4 địa điểm: Giồng Nen (Mương Út Gốc), Đìa Rúng, kênh Sườn Lung Tượng và khu Trạm bơm. Ông Tâm cho biết thêm: “Tất cả các đám lúa chết đều có triệu chứng giống nhau là: rễ bị thối, sau đó thân chuyển sang màu đỏ rồi chết khô”. Theo ghi nhận thực tế của chúng tôi, đến nay, hiện tượng này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.


Rễ cây lúa bị thối

Thiên tai hay nhân tai?

Ông Phạm Hồng Cường - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Hồng Ngự xác nhận có hiện tượng lúa chết hàng loạt trên cánh 2.600 như phản ảnh của nông dân. Tuy nhiên, theo ông Cường, nguyên nhân chủ yếu khiến lúa chết là do thiên tai với thời tiết cực đoan gây ra. Sau khi phát hiện, Phòng đã báo cáo và được Sở NN&PTNT Đồng Tháp cử bộ phận chức năng xuống. Qua kiểm tra, đánh giá, bước đầu ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp xác định: lúa chết là do thiên tai khắc nghiệt. Cụ thể là nắng nóng kéo dài làm xì phèn... là nguyên nhân gây ra cái chết cho cây lúa nên đề xuất giải pháp cứu lúa là thay nước mới vào ruộng rửa phèn, bón vôi,...

Tuy nhiên, nhiều lão nông tri điền ở đây thì quả quyết cây lúa chết là do nhân tai, mà cụ thể là bị nhiễm mặn do các hoạt động của người nuôi cá sử dụng thức ăn công nghiệp gây ra. Cụ thể, sau khi phát hiện lúa đồng loạt chết trên diện rộng, nông dân trong khu vực này đã mời một nhóm kỹ sư nông nghiệp thuộc đơn vị Tập đoàn Lộc Trời đến khảo sát độc lập. Sau khi khảo sát nhiều yếu tố, kết quả thật bất ngờ khi xác định cây lúa chết do bị nhiễm mặn vượt ngưỡng sinh lý cây trồng. Thật tình, lúc đầu tôi không dám tin, giữa vùng đất đầu nguồn sông Cửu Long, cách bờ biển Tây (nguồn nước mặn gần nhất) khoảng 200km. Nhưng khi được cung cấp hình ảnh về độ mặn được đo vào ngày 15/5/2020 tại nhiều đám ruộng trong khu 2.600ha, cho thấy độ mặn trên ruộng lúa chết dao động 3-6‰, thì tôi không khỏi bất ngờ. Có thể số liệu đo đạc này chưa mang tính pháp lệnh, như lời ông Phạm Hồng Cường Phó Phòng NN&PTNT huyện Hồng Ngự, nhưng những con số này lại gợi cho chúng tôi sự lo lắng cho hiện tượng chưa từng có ở vùng đầu nguồn sông Cửu Long. Và thế là chúng tôi cất công đi tìm câu trả lời. Trao đổi với chúng tôi, thạc sĩ Nguyễn Phước Tuyên - chuyên gia nghiên cứu độc lập về nông nghiệp ở Đồng Tháp cho biết, khu vực Thường Thới Tiền có cao trình bình quân 3,5m nên nước mặn chưa thể tới được. Thạc sĩ Tuyên cũng đưa ra nghi vấn liệu có sự nhầm lẫn giữa phèn và mặn hay không? Tuy nhiên, ông cũng nghĩ đến xu hướng mặn có thể xuất hiện từ hoạt động nuôi cá. “Kết quả đo đạc của nhóm nghiên cứu tại Đại học Cần Thơ dưới sự chủ trì của TS. Trần Kim Tính cho thấy, nước tại các ao nuôi cá có nồng độ 6‰ - ông Tuyên nhấn mạnh- “Điều này không có gì bất ngờ bởi trong thành phần thức ăn chăn nuôi thủy sản luôn có lượng muối chiếm 1-2% trọng lượng”. Tuy nhiên, theo ông Tuyên, cái chết của cây lúa trong trường hợp này có thể đến từ sự cộng hưởng giữa 2 yếu tố nhân tai và thiên tai: Nước mặn kết hợp cùng thời tiết nắng gắt, nền nhiệt độ cao đã làm cho cây lúa chết nhanh hơn.


Độ mặn đo tại ruộng

Thiên nhiên ngày càng khắc nghiệt, gây nhiều bất lợi lên cây trồng. Vì thế hơn bất cứ lúc nào, người trồng lúa ở Hồng Ngự đang rất cần lời giải thích thỏa đáng về cái chết lạ của cây lúa để có biện pháp xử lý trước mắt cũng như có giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu khả năng nhân tai “nối giáo” thiên tai tấn công lên cây lúa cho nhiều địa phương trồng lúa ngoài địa phận Hồng Ngự...

Thực tế tại nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, với đất đã nuôi cá công nghiệp thì không thể quay trở lại trồng lúa. Bởi mỗi ha phải gánh cả trăm tấn thức ăn mỗi năm. Nếu thâm canh quá dầy, lượng muối trong thức ăn chăn nuôi lâu ngày tích tụ, sẽ gây ra hiện tượng nhiễm mặn. Cần có thời gian rửa mặn nhất định mới có thể trồng lúa lại được. Bởi ngay cả trong trường hợp độ mặn không cao, chưa làm ảnh hưởng đến đời sống cây lúa, cũng để lại hệ lụy khó lường. Bởi khi có mặn, lượng natri trong đất sẽ thúc đẩy quá trình cung cấp dinh dưỡng trong đất nhanh hơn bình thường. Điều này, trước mắt có thể khiến cây lúa tốt hơn, nhưng lâu dài sẽ làm đất nhanh bạc màu...

(Thạc sĩ Nguyễn Phước Tuyên)

Lục Tùng

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn