Người phụ nữ khởi nghiệp với cây chùm ngây

Cập nhật ngày: 04/09/2018 10:51:08

ĐTO - Với mong muốn san sẻ những bí quyết chữa bệnh từ chùm ngây cho nhiều người cùng sử dụng, chị Nguyễn Thu Thủy, ấp Phú Bình, xã Phú Hựu, huyện Châu Thành đã không ngại gian khó, học hỏi cách chế biến các sản phẩm từ chùm ngây để đem đến những sản phẩm tốt nhất phục vụ người tiêu dùng...


Vườn chùm ngây của chị Thủy được trồng theo hướng hữu cơ, an toàn cho người sử dụng

Kể lại cơ duyên đến với chùm ngây, chị Thu Thủy chia sẻ, công việc nhà nông của chị vốn gắn bó với cây cam, bưởi ở xã Phú Hựu, huyện Châu Thành, chưa bao giờ chị nghĩ mình sẽ rẽ sang một con đường khởi nghiệp khác, nhất lại là với trà chùm ngây. Ấy vậy mà...“Năm 2012, khi chồng chị bị bệnh tai biến nhũn não. Quá sốc và không thể tin nổi tai họa này lại đến với người thân của gia đình. Sau một thời gian chữa trị không thuyên giảm, dù rất buồn nhưng chị xác định mình không thể dừng bước mà phải tìm phương cách khác chữa bệnh cho anh” - chị Thủy kể lại ngã rẽ cuộc đời mình.

Được người quen giới thiệu, có một phương thuốc hỗ trợ chữa bệnh từ cây chùm ngây rất hiệu quả cho những người mắc bệnh như chồng chị. Chị Thủy bắt đầu tìm hiểu và thực hiện theo liệu trình trị bệnh cho chồng, sau một thời gian sử dụng thấy chùm ngây có khả năng hỗ trợ điều trị bệnh cho chồng, chị nảy ra ý tưởng: “Tại sao mình không làm ra một loại trà chùm ngây sạch, không hóa chất để phục vụ nhiều người có nhu cầu sử dụng?” Nghĩ là làm, chị bắt đầu tìm hiểu kỹ thuật canh tác loại cây này và mang hơn 6.000 cây giống về trồng hữu cơ xen canh trên mảnh vườn cam, quýt 17.000m2 ở xã Phú Hựu.

Chị Thủy cho biết, giống chùm ngây này có nguồn gốc từ Ấn Độ, có đặc tính chứa 92 khoáng chất, 18 loại axit amin và nhiều chất oxy hóa nên giúp đào thải độc tố và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể rất cao. Đặc biệt, kết quả từ việc thuyên giảm bệnh cho người thân trong gia đình càng củng cố hơn lòng tin của chị. Chị Thủy quyết định hành trình tiếp theo trong cuộc đời phải gắn bó với cây chùm ngây.

Những tháng sau đó, chị Thủy bắt đầu sản xuất trà chùm ngây bằng phương pháp phơi sấy thông thường, tuy nhiên, khâu bảo quản rất vất vả vì lá cây dễ bị mốc. Chọn hướng đi lâu dài, chị Thủy đã học cách chế biến theo hướng đầu tư kho sấy lạnh để bảo quản và giữ độ ẩm ổn định cho lá. Từ việc thay đổi cách thức sản xuất này, những sản phẩm đầu tiên như lá chùm ngây sấy khô, trà chùm ngây, bột chùm ngây rồi hạt chùm ngây, củ cây chùm ngây ngâm rượu... lần lượt ra đời.

Có được sản phẩm sạch, an toàn, chị bắt đầu đưa sản phẩm ra thị trường “Đó là một hành trình” - chị Thủy nói - “Sản phẩm của mình sạch, tốt nhưng để người tiêu dùng tin tưởng là một điều không dễ dàng”. Cách đầu tiên chị tiếp cận thị trường là gửi sản phẩm cho người bệnh sử dụng. Cứ biết chỗ nào có người bệnh đau khớp, tai biến, mất ngủ là chị lại gửi trà chùm ngây biếu để mọi người có thể dùng thử và cảm nhận. “Cơ thể của những người có bệnh rất nhạy cảm, nên việc cảm nhận sản phẩm nào hiệu quả cũng rõ hơn. Đó cũng chính là những người kiểm nghiệm và là những khách hàng đầu tiên của mình” – chị Thủy nói.

Từ những khách hàng đầu tiên, đến nay qua gần 4 năm khởi nghiệp, sản phẩm làm từ chùm ngây của cơ sở Xuân Thủy đã có mặt trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, thông qua các chương trình hội chợ khởi nghiệp do tỉnh tổ chức, sản phẩm từ chùm ngây của chị được nhiều người biết và tin dùng nhiều hơn. Sắp tới đây, chị sẽ hoàn chỉnh các bao bì, nhãn mác phù hợp với thị trường để đưa sản phẩm vào siêu thị Co.op Mart Cao Lãnh. “Sản phẩm của mình dù đã có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng để người tiêu dùng tin tưởng thì hệ thống siêu thị là kênh hiệu quả và an toàn nhất hiện nay” - chị Thủy tâm huyết chia sẻ.

Khởi nghiệp và nhất là khởi nghiệp với nông nghiệp chưa bao giờ là con đường dễ dàng. Thế nhưng, với cái tâm và lòng nhiệt tình của người phụ nữ Đất Sen hồng này, tin rằng sản phẩm của chị sẽ còn vươn xa hơn nữa.

ThảoVy

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn