Người tiêu dùng nên thận trọng với các loại hải sản lề đường

Cập nhật ngày: 03/10/2016 10:13:21

ĐTO - Vài tháng trở lại đây, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp xuất hiện nhiều điểm bán các loại hải sản tươi sống ngay trên lề đường. Các mặt hàng được bày bán tại các điểm di động này thường không đảm bảo về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Qua khảo sát tại các điểm mua bán, hải sản lề đường chia thành nhiều cấp độ khác nhau: từ cao cấp đến hàng bình dân giá rẻ. Chỉ cần quan sát một vài điểm bán hải sản nằm ngay trên đường Phạm Hữu Lầu, phường 6, TP.Cao Lãnh cũng có thể thấy được sự đáp ứng đa dạng này. Tại các điểm bán, hải sản có nhiều mức giá khác nhau như: cua biển 85.000 đồng/kg, trong đó giá cua thịt loại nhỏ (khoảng 3 - 4 con/kg) là 75.000 đồng/kg, cua thịt loại lớn (khoảng 2 con/kg) 95.000 đồng/kg, riêng cua gạch giá 180.000 - 200.000 đồng/kg.

Anh Hải, người bán hải sản trên đường Phạm Hữu Lầu, phường 6, TP.Cao Lãnh cho biết, điểm bán hàng lưu động này hoạt động được hơn 3 tháng và cũng thu hút được nhiều lượt mua. Ở đây có đủ mặt hàng cho khách chọn lựa như mực, bạch tuột, cua, ghẹ... Không chỉ khách mua lẻ mà nhiều nơi còn đặt mua với số lượng khá lớn. Giá bỏ mối và bán lẻ thường chênh lệch nhau vài chục ngàn đồng.

Nhìn chung, các điểm bán hải sản lề đường thu hút khách nhờ giá rẻ. Hơn thế, nhiều điểm “chào hàng” khá hấp dẫn như: “Cua, ghẹ Cà Mau giá rẻ bất ngờ chỉ 75.000 đồng/kg” hay “Nhanh tay xuống lựa cua, ghẹ bán xả hàng về sớm”... Và tùy vào tình hình đắt hay ế hàng, người bán có thể thỏa thuận bớt giá cho khách.

Có thể nói, các mặt hàng hải sản bày bán theo kiểu lề đường này khá loạn về giá cả và nguồn gốc. Không ít người bán khẳng định đây là cua tự nhiên được đánh bắt từ các vùng biển để đẩy giá lên cao. Nhưng nhiều nơi lại chào bán với giá rẻ hơn vài chục ngàn đồng/kg so với mặt bằng chung trên thị trường, song thực chất đây chỉ là “chiêu” của người bán.

Nhiều khách hàng phải “ngậm đắng nuốt cay” khi mua hải sản lề đường. Như trường hợp của ông Minh ngụ phường 6, TP.Cao Lãnh: “Tôi từng bị hớ khi mua cua biển với giá bèo, còn sống, nhưng đem về luộc lên mới biết là cua rỗng ruột”.

Tương tự, anh Trần Minh Tùng ngụ phường 2, TP.Cao Lãnh nhận định: “Các mặt hàng thủy hải sản bày bán tự phát trên các tuyến đường thường được bảo quản chất lượng tạm bợ bằng thùng giữ lạnh, khó đối phó được với thời tiết thay đổi liên tục, dễ dẫn đến tình trạng hư hỏng, không thể đảm bảo yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Song song đó, chưa kể những trường hợp nhằm cạnh tranh về giá hay tâm lý giá rẻ, dễ bán, một số thương nhân còn kinh doanh hàng kém chất lượng và dùng nhiều cách để gạt lòng tin của khách hàng...”.

Có thể thấy, nguy cơ tiềm ẩn từ hải sản vỉa hè kém chất lượng là không thể lường trước, người dân nên chọn mua thực phẩm ở những điểm uy tín, an toàn và nâng cao ý thức tự bảo vệ bữa ăn gia đình trước những thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Hoài Minh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn