Nông dân cần chuẩn bị tốt cho vụ lúa thu đông

Cập nhật ngày: 28/06/2016 13:08:32

ĐTO - Hiện nông dân toàn tỉnh đang tích cực chăm sóc vụ lúa thu đông mới với hy vọng “mưa thuận, gió hòa” cho vụ mùa bội thu.


Nông dân chuẩn bị xuống giống cho vụ thu đông

Nông dân kỳ vọng vào vụ mới

Trong vụ hè thu, nhiều diện tích lúa trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp bị ảnh hưởng nặng do chuột cắn phá làm giảm năng suất. Ông Nguyễn Thanh Hùng, ngụ ấp Tân Lợi, xã Tân Công Sính, huyện Tam Nông, cho biết: “Vụ hè thu, tôi khổ sở vì nạn chuột cắn phá lúa gây ảnh hưởng đến năng suất. Để chuẩn bị cho vụ tiếp theo, tôi chú trọng kỹ khâu làm đất, chọn giống ngay từ đầu vụ. Hiện, trà lúa thu đông của gia đình đang trong giai đoạn hơn 20 ngày. Hiện, nông dân chúng tôi ai cũng mong thời tiết thuận lợi cho vụ mùa bội thu”.

Ông Nguyễn Văn Hiền, ngụ ấp Tân Lợi, xã Tân Công Sính (huyện Tam Nông) vẫn còn ám ảnh bởi sự xuất hiện gây hại của chuột, diện tích lúa hơn 10ha của gia đình ông bị chuột phá hơn 50%. Ông Hiền cho biết: “Thiên tai hay dịch hại là chuyện khó thể tránh khỏi trong canh tác lúa. Vì vậy, tôi cùng gia đình cố gắng khắc phục khó khăn để xuống giống vụ lúa tiếp theo. Hiện, lúa thu đông của gia đình tôi được 30 ngày, các trà lúa đang phát triển tốt. Chuẩn bị vụ lúa này, tôi chú trọng nhiều vào khâu chọn giống vì đây là yếu tố quan trọng nhất, tiếp đến là sử dụng phân cân đối để chủ động phòng trừ dịch hại. Tôi đã chủ động trong việc phòng trừ sự tấn công của chuột trên đồng ruộng bằng các biện pháp che chắn và sử dụng thuốc diệt...”.

Vụ lúa hè thu vừa qua ngoài bị chuột cắn phá, nhiều diện tích lúa tới ngày thu hoạch bị ngã đổ hàng loạt do mưa lớn kéo dài khiến nông dân gặp khó khăn. Vụ hè thu năm nay, diện tích lúa khoảng 15.000m2 của gia đình ông Phạm Văn Vệ, ngụ ấp Long Hội, xã Hòa Long (huyện Lai Vung) gần tới ngày thu hoạch bị ngã đổ hơn 50%. Việc lúa ngã đổ khiến ông phải tốn thêm chi phí thu hoạch, năng suất giảm khoảng 300 - 400kg/công.

Ông Vệ cho biết: “Lúa gần tới ngày thu hoạch thì bị ngã đổ hàng loạt khiến tôi không kịp trở tay. Mặc dù, khó khăn động lực cho tôi cùng nhiều hộ lân cận cố gắng sản xuất trong vụ lúa tiếp theo. Chuẩn bị cho vụ lúa thu đông 2016, gia đình tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng các khâu làm đất, giống, chọn phân thuốc, nước... Tình hình thời tiết hiện tại không mấy thuận lợi nhưng tôi cùng nhiều nông dân khác vẫn mong “mưa thuận, gió hòa” để lúa phát triển tốt mang vụ mùa bội thu”.

Ngành nông nghiệp khuyến cáo

Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, để phòng trừ chuột gây hại trên lúa, nông dân nên xuống giống đồng loạt trên từng khu vực, từng cánh đồng. Trước khi gieo sạ, nông dân nên dọn vệ sinh những bờ ruộng cho sạch cỏ để chuột không còn nơi ẩn náu. Nông dân có thể dùng màn phủ che chắn ngay chân ruộng để hạn chế lượng chuột phá hoại. Nông dân nên chọn giống lúa xác nhận đảm bảo yếu tố cứng cây và không nên sạ với mật độ dày để giảm diện tích lúa ngã đổ.

Với những vùng không có thời gian cách ly giữa vụ tốt, nông dân phải chủ động tháo nước bơm rửa đất để tránh lúa bị ngộ độc hữu cơ. Quan trọng hơn hết, vào giai đoạn lúa khoảng 25 - 35 ngày, nông dân nên xả nước ra cho lúa khô giúp chắc cây; bón đủ lượng lân, kali ngay đầu vụ cho lúa phát triển tốt...

Bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Để đảm bảo sản xuất vụ thu đông, với những diện tích lúa chuẩn bị xuống giống, nông dân nên vệ sinh đồng ruộng thật kỹ, phải đảm bảo thời gian cách ly giữa mỗi vụ. Điều quan trọng nhất, để lúa phát triển tốt là giảm lượng giống sạ trên đồng. Trong sử dụng thuốc hóa học, nông dân phải tuân thủ nguyên tắc “4 đúng”, “1 phải 5 giảm” và thực hiện đúng theo hướng dẫn; chú ý không bón phân thừa đạm giúp kéo giảm tỷ lệ nhiễm bệnh đạo ôn lá. Nông dân phải nắm chặt chẽ diễn biến thời tiết và kiểm tra ruộng đồng thường xuyên để phát hiện bệnh sớm và có biện pháp ngăn chặn kịp thời”.

Khánh Phan

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn