Phát huy hơn nữa hiệu quả chỉ số tiếp cận đất đai

Cập nhật ngày: 14/05/2018 16:08:59

ĐTO - Chỉ số tiếp cận đất đai và sử dụng đất ổn định là một trong những chỉ số thành phần quan trọng của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), giúp cải thiện môi trường, tạo điểm đến hấp dẫn, đáng tin cậy cho nhà đầu tư. Đây là chỉ số mà doanh nghiệp và các ngành rất quan tâm.


Một quy trình sản xuất ở Công ty CP Vĩnh Hoàn - đơn vị gặt hái nhiều thành công khi chọn Đồng Tháp là miền đất lập nghiệp

Năm 2017, Đồng Tháp tiếp tục nắm giữ vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng PCI. Với kết quả này, tỉnh ta 10 năm liên tiếp nằm trong TOP 5 bảng xếp hạng PCI. Riêng trong năm 2017, Đồng Tháp ghi dấu ấn với vị trí đứng đầu các thành phần như: tính minh bạch, chi phí thời gian và tiếp cận đất đai. Với điểm số 7,61/68,78 điểm, kết quả chỉ số tiếp cận đất đai tạo tín hiệu phấn khởi góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là hợp phần của 10 tiêu chí, trong những năm gần đây, chỉ số tiếp cận đất đai của Đồng Tháp đang dần được ổn định. Nhận thức được tầm quan trọng này, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) không ngừng nghiên cứu các giải pháp để bảo toàn và phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được đối với chỉ số tiếp cận đất đai.

Đạt được kết quả trên là do Sở TN&MT đã phối hợp cùng các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm túc nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Đồng Tháp năm 2017, đạt chỉ tiêu UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho đơn vị phấn đấu đạt 7,08 điểm trở lên.

Để nâng cao hơn nữa mục tiêu “chính quyền thân thiện”, UBND tỉnh đã ban hành quy trình thủ tục triển khai dự án của nhà đầu tư thực hiện ngoài các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Qua đó, đối với các thủ tục về đất đai và môi trường doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận hơn. Với mục tiêu chung là nâng cao chỉ số PCI, khi tiếp nhận văn bản đề nghị góp ý chủ trương đầu tư, góp ý cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho doanh nghiệp từ Sở Kế hoạch và Đầu tư gửi đến, Sở TN&MT luôn chủ động, khẩn trương hoàn thành các nội dung đóng góp, kể cả lĩnh vực môi trường. Thời gian thực hiện luôn sớm và đúng hạn theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Bên cạnh đó, Sở TN&MT, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Đây là kênh thông tin chính thống và hiệu quả. Kênh thông tin này giúp nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận tiềm năng đất đai để có sự đối chiếu so sánh với mục tiêu quy mô đầu tư dự án mình dự kiến triển khai, từ đó nhà đầu tư có được sự lựa chọn phù hợp nhất. Mặt khác, việc cung cấp thông tin về giá đất, vị trí đối với các địa điểm nhà đầu tư đang nghiên cứu cũng được Sở TN&MT thực hiện kịp thời. Thông tin giá đất tạm tính gửi đến nhà đầu tư không sai khác nhiều so với thông tin đã được tính toán chi tiết, đáp ứng được nội dung doanh nghiệp yêu cầu.

Một yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả tiếp cận đất đai, góp phần tác động đến Chỉ số PCI là thời gian giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) về đất đai. Hiểu được tầm quan trọng đó, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định công bố TTHC về lĩnh vực TN&MT thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở TN&MT, UBND cấp huyện và UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Theo quy định hiện hành, thời gian giải quyết các TTHC về đất đai đã rút ngắn đáng kể, thời gian xác lập thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất gói gọn trong 9 ngày làm việc. Và, sau khi thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai, người sử dụng đất chỉ mất 6 ngày sẽ được UBND tỉnh ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Để công tác xác định nghĩa vụ tài chính đất đai được thực hiện nhanh chóng, Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh ban hành quy trình luân chuyển hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai của người sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Theo đó, quy định cụ thể nhiệm vụ của các cơ quan có liên quan, phân định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp trong việc xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai. Bên cạnh những thuận lợi do cơ chế, chính sách mà các ngành, các cấp ban hành nhằm đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình xúc tiến đầu tư, chỉ số tiếp cận đất đai vẫn còn bị hạn chế bởi một số yếu tố tác động.

Cụ thể như, do mục tiêu đầu tư của dự án, nhà đầu tư thường không chú trọng đến các địa điểm tại các khu, cụm công nghiệp mà quan tâm đến các vị trí “ưa chuộng” do một số điều kiện đặc thù để phục vụ cho mục đích sản xuất kinh doanh như hạ tầng kỹ thuật, mật độ dân số, khả năng sinh lợi của khu đất. Từ đó, tỷ lệ lấp đầy tại các khu, cụm công nghiệp không cao. Ngoài ra, một số dự án đầu tư đã được chủ trương của UBND tỉnh, tuy nhiên nhà đầu tư chậm tiến hành xác lập các thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án đã được chấp thuận.

Một hạn chế khác là hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại một số nơi của tỉnh chưa hoàn chỉnh, chưa thu hút, chưa hấp dẫn được các tập đoàn lớn trong nước và nước ngoài. Đặc biệt là đối với yếu tố giao thông, đây là một điểm mà các nhà đầu tư lớn rất cân nhắc khi nghiên cứu đầu tư vào Đồng Tháp.

Nhận thấy những tồn tại đó, trong thời gian tới, để nâng cao hơn nữa chỉ số tiếp cận đất đai nhằm phát huy khẩu hiệu: “Tiềm năng của tôi, cơ hội của bạn”, Sở TN&MT đề ra những giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư.

Cụ thể, đối với các dự án đầu tư đã được chấp thuận của cấp có thẩm quyền, Sở TN&MT sẽ chủ động phối hợp cùng UBND các huyện, thị, thành phố tham mưu UBND tỉnh phê duyệt bổ sung Kế hoạch sử dụng đất hàng năm, tạo tiền đề pháp lý để nhà đầu tư xác lập các thủ tục giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đồng thời, UBND các huyện, thị xã, thành phố phải nhận thấy được tiềm năng đất đai trên địa bàn mình quản lý, từ đó có phương án, tạo quỹ “đất sạch và đẹp” để kêu gọi đầu tư, phải chủ động giới thiệu mình đến các tập đoàn, các doanh nghiệp lớn.

Để rút ngắn hơn nữa thời gian xác định thông tin, xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai, Sở TN&MT đã ban hành quy chế phối hợp cung cấp thông tin vị trí khu đất làm cơ sở xác định nghĩa vụ tài chính đối với tổ chức sử dụng đất. Qua đó, từ khi nhà đầu tư nộp đầy đủ hồ sơ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất tại Trung tâm hành chính công, Sở TN&MT sẽ chủ động chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiến hành xác định thông tin thửa đất, khu đất. Khi UBND tỉnh ban hành quyết định, cơ quan TN&MT chuyển ngay thông tin đến cơ quan thuế làm cơ sở để nhà đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai. Sở TN&MT đang nghiên cứu đưa nội dung này vào công tác tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung Quyết định số 41/2017/QĐ-UBND. Đồng thời lồng ghép việc thực hiện công tác cung cấp thông tin cho cơ quan thuế bằng hình thức điện tử.

Ông Nguyễn Trung Ngay - Giám đốc Sở TN&MT cho biết: “Để tạo được tiềm năng thu hút đầu tư, tầm quan trọng của nguồn vốn là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp, Sở TN&MT cũng đề xuất UBND tỉnh kiến nghị Trung ương hỗ trợ nguồn kinh phí tạo điều kiện cho địa phương hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông, làm cơ sở tạo điểm nhấn, hấp dẫn các doanh nghiệp lớn đến với Đồng Tháp...Trong năm 2018, Sở TN&MT sẽ phấn đấu giữ vững và phát huy hơn nữa hiệu quả chỉ số tiếp cận đất đai, đồng thời tích cực hỗ trợ các ngành có liên quan trong phạm vi đơn vị quản lý để góp phần nâng cao Chỉ số PCI”.

T.Hiền

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn