Phát triển chuỗi giá trị hàng hóa trong hợp tác xã, tổ hợp tác thanh niên

Cập nhật ngày: 06/07/2018 15:11:32

ĐTO - Tại hội nghị “Giải pháp phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm cho thành viên tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) thanh niên khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ” tổ chức tại Đồng Tháp vừa qua, nhiều HTX, THT thanh niên vẫn còn trăn trở về việc gắn chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa quy mô lớn, mặc dù hiện nay các THT, HTX vẫn có ý thức sản xuất hàng hóa tốt nhưng vấn đề gắn với chuỗi sản xuất vẫn là vấn đề khó khăn.


Được chứng nhận nhãn hiệu độc quyền sản phẩm “Dưa kiệu Phú Hiệp”, nhưng Tổ hợp tác vẫn chưa liên kết tiêu thụ sản phẩm được với chuỗi hệ thống các siêu thị

HTX vẫn còn nhiều khó khăn

Để khu vực kinh tế hợp tác mà hạt nhân là các THT, HTX có thể phát triển bền vững, các HTX thanh niên cần có sự thay đổi để phù hợp với cơ chế thị trường. Bên cạnh đó cần có một cơ chế hỗ trợ hợp lý để vực dậy mô hình kinh tế trong thanh niên.

Trao đổi tại hội nghị, anh Trần Minh Tân - Tổ trưởng THT thanh niên làm dưa kiệu xã Phú Hiệp (huyện Tam Nông) cho biết: THT thanh niên làm dưa kiệu thành lập từ năm 2015, từ 7 hộ thành viên, đến nay đã có 10 hộ thành viên, với 4ha (40.000m2) đất chuyên trồng kiệu ở xã Phú Hiệp. Mỗi tháng, THT bán ra thị trường 300 – 500 hộp dưa kiệu các loại, thu nhập bình quân khoảng 3 - 5 triệu đồng/tháng/thành viên. Vùng sản xuất dưa kiệu của THT có lợi thế là đã được chứng nhận nhãn hiệu độc quyền sản phẩm “Dưa kiệu Phú Hiệp”. Tuy nhiên, lợi thế này chưa giúp sản phẩm kết nối được với chuỗi giá trị sản xuất. Nguyên nhân là do vốn ít, quy mô sản xuất nhỏ lẻ nên THT mới chỉ tiêu thụ sản phẩm qua các chương trình hội chợ, cửa hàng đặc sản với số lượng nhỏ chứ chưa liên kết được với chuỗi hệ thống các siêu thị...

Nhìn rộng ra các THT, HTX thanh niên khác ở vùng đồng bằng sông Cửu Long có thể thấy, hầu hết các HTX thanh niên hiện nay đều gặp tình trạng tương tự. HTX, THT thanh niên hiện đa phần đều có quy mô nhỏ, hạ tầng chưa bảo đảm yêu cầu nên việc liên kết, nhân rộng mô hình sản phẩm, hàng hóa chủ lực để hình thành quy mô lớn và tạo sức lan tỏa gặp khó khăn.

Ngoài ra, quy mô diện tích đất sản xuất của nông hộ nhìn chung còn nhỏ hẹp, không liền thửa nên vẫn còn khó khăn trong việc triển khai thực hiện các dự án cánh đồng lớn. Trong khi đó, nông dân chưa thật sự tích cực thực hiện sản xuất theo các tiêu chuẩn sạch, tiêu chuẩn VietGAP vì thị trường có khả năng thanh toán của sản phẩm sạch chưa lớn và sản xuất sạch chưa mang lại lợi nhuận cao.

Hình thành chuỗi liên kết giá trị sản phẩm

Để tạo điều kiện cho các HTX thanh niên có thể tham gia liên kết chuỗi giá trị một cách bền vững, theo nhiều chuyên gia, Nhà nước cần hỗ trợ, tạo điều kiện để đào tạo người đứng đầu HTX; hỗ trợ HTX tiếp cận với các vốn vay ưu đãi, nhất là các nguồn vốn vay không cần thế chấp tài sản. Song song đó, cần thông thoáng hơn trong các cơ chế chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư, tham gia liên kết với HTX. Đặc biệt, ngoài những sự hỗ trợ cần thiết thì bản thân các HTX, THT phải biết thay đổi và sẵn sàng thay đổi để phù hợp với cơ chế thị trường.

Theo bà Vũ Kim Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), để liên kết được với chuỗi giá trị hàng hóa một cách bền vững, trước khi tìm doanh nghiệp liên kết, các HTX, THT thanh niên cần phải biết cách tự thay đổi mình theo hướng “chuẩn chất và 2 thương” (chuẩn chất lượng, thương hiệu và thương mại hóa). Đây là một vấn đề rất khó nhưng đòi hỏi các HTX thanh niên phải thực hiện được nếu muốn tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất.

Cũng theo bà Kim Anh, để hỗ trợ nhau trong tiêu thụ sản phẩm, các HTX, THT thanh niên phải biết hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của nhau (như mô hình cửa hàng đặc sản tại Tràm Chim, huyện Tam Nông hay cửa hàng Đặc sản Đồng Tháp của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh). Đây cũng là một trong những cách để tạo một chuỗi kết nối và tiêu thụ sản phẩm nông sản của HTX trong một địa phương.

Riêng Tiến sĩ Nguyễn Minh Tú – Vụ trưởng vụ HTX Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì cho rằng, chuỗi giá trị muốn bền vững, vấn đề quan trọng đầu tiên là phải đầu tư nguồn nhân lực để đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Trong đó, việc mở rộng tập huấn nâng cao kiến thức cho đội ngũ quản lý HTX phải đúng đối tượng, đúng nhu cầu thực tiễn và phải thường xuyên mới có thể phát huy hiệu quả của việc nâng cao nguồn nhân lực tại HTX. Bên cạnh tập huấn kiến thức, vốn cũng là một yếu tố quyết định đến sự thành công của hệ thống HTX.

Theo TS. Nguyễn Minh Tú, yếu tố thúc đẩy phát triển HTX là kinh tế hộ, vì vậy Nhà nước cần hỗ trợ, tạo điều kiện để đào tạo người đứng đầu HTX có tư duy và hành động của một nhà doanh nghiệp.

Thảo Vy

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn