Tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp trên lĩnh vực nông nghiệp

Cập nhật ngày: 25/06/2021 10:24:19

ĐTO - Thực hiện Đề án tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2017 – 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) linh hoạt lồng ghép các nội dung đề án vào Kế hoạch tái cơ cấu các ngành hàng chủ lực của tỉnh, xây dựng nền nông nghiệp sản xuất sạch, an toàn, truy xuất nguồn gốc; xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch trên cây ăn trái...


Sản phẩm OCOP nem Cô Hoàn được người tiêu dùng ưa chuộng

Trên tinh thần đó, ngành nông nghiệp tiếp tục triển khai và theo dõi thực hiện Chương trình xây dựng nhãn hiệu một số nông sản đặc thù tỉnh Đồng Tháp. Từ năm 2015 đến nay có 14/27 nhãn hiệu nông sản đặc thù được cấp bằng bảo hộ. Bên cạnh đó, địa phương rà soát, đánh giá tình hình thực tế về quy hoạch, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm nông sản thế mạnh để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo hộ như cam xoàn Lai Vung, hủ tiếu Sa Đéc, khô Phú Thọ, kiệu Phú Hiệp. Đối với TP.Sa Đéc và huyện Tháp Mười được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu “Làng hoa Sa Đéc” và “Sen Tháp Mười”.

Sở NN&PTNT phối hợp với các ngành hữu quan tổ chức các hội nghị xúc tiến, quảng bá các loại nông sản chủ lực của tỉnh đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, từng bước xác lập thương hiệu, nâng cao giá trị các sản phẩm. Chương trình OCOP cũng là đòn bẩy góp phần xây dựng hình ảnh của tỉnh. Thời gian qua, nhiều sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh vào hệ thống siêu thị (Co.op Mart, Big C, VinMart, Bách hóa Xanh, Tứ Sơn, Annam Gourmart Market, cửa hàng bản lẻ Vissan) và trưng bày tại các khu điểm du lịch trên địa bàn.

Hướng đến sản xuất xuất bền vững, tỉnh tiên phong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Với hướng đi đúng đắn, đề án còn góp phần tạo dựng nên hình ảnh tỉnh nhà. Thời gian qua, ngành hàng lúa gạo đạt được nhiều thành tựu, xây dựng thương hiệu và tạo ra các dòng sản phẩm giá trị cao. Thương hiệu các sản phẩm gạo được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng với chất lượng đảm bảo. Nhiều sản phẩm gạo được phân phối tại các hệ thống bán lẻ lớn trong cả nước như Co.opmart, Big C, Satra, Tứ Sơn, Vinmart, Lotte, Aeon,...

Mặt hàng xoài của tỉnh từng bước phát triển mạnh, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu “Xoài cát chu Cao Lãnh và Xoài Cao Lãnh” và cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Cao Lãnh” cho sản phẩm xoài. Việc ứng dụng công nghệ Blockchain để truy xuất nguồn gốc vào mô hình thương mại điện tử “Cây xoài nhà tôi” cũng tạo đòn bẩy giúp cho mặt hàng này phát triển. Năm 2019, xoài Đồng Tháp được xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Điều này khẳng định trái xoài Đồng Tháp đạt chất lượng để có mặt tại các thị trường khó tính. Ngoài ra, đến nay, toàn tỉnh có 988ha xoài được cấp mã vùng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Canada, Nga, Úc, EU, Hàn Quốc, Nhật... với 45 mã vùng và có gần 4.230ha được cấp mã vùng xuất sang thị trường Trung Quốc với 72 mã vùng. Hoa kiểng được xem là ngành hàng thế mạnh của tỉnh, hằng năm, thông qua hoạt động Lễ Hội hoa xuân đã thu hút khoảng 300.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan Làng hoa Sa Đéc.

Tính đến nay, toàn tỉnh có khoảng 20 doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu với tổng công suất thiết kế 467,224 tấn thành phẩm/năm. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp còn tận dụng phụ phẩm chế biến thành các sản phẩm giá trị gia tăng (dầu cá, collagen, genlatin, da cá sấy,...) và chế biến thức ăn gia súc. Ngành hàng cá tra của tỉnh mở rộng thị trường xuất khẩu sang 134 quốc gia.

Thời gian qua, việc tạo dựng hình ảnh Đồng Tháp còn được phát huy hiệu quả thông qua các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Mô hình hộ gia đình thi đua “Chung sức xây dựng nông thông mới (NTM)” với phương thức “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” là một mô hình sáng tạo. Thông qua mô hình, tạo đươc sự lan tỏa đến từng cá nhân, hộ gia đình nông thôn trên hành trình xây dựng NTM. Đặc biệt là giúp người dân phát huy vai trò chủ thể đóng góp công sức, vật chất để xây dựng NTM, nhất là những tiêu chí hộ gia đình thực hiện.

“Hội quán” là sáng kiến cộng đồng, kích hoạt sự đổi mới sáng tạo của bà con. Đây được xem là một trong những mô hình tạo dựng nên hình ảnh của tỉnh Đồng Tháp. Dưới “mái nhà chung” Hội quán, người dân cùng ngành nghề sản xuất, lợi ích tập hợp chung tay phát triển quê hương trên tinh thần “Tự nguyện, Tự lực, Tự quản”. Đến đầu tháng 6/2021, toàn tỉnh có 111 Hội quán được thành lập với trên 6.000 thành viên.

Để phát huy hiệu quả Đề án về tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp, ngành nông nghiệp định hướng một số giải pháp thực hiện. Theo đó, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu UBND tỉnh xây dựng tiêu chí văn hóa NTM, nâng cao các chỉ tiêu giữ gìn và phát huy giá trị di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Đồng thời tiếp tục nhân rộng các mô hình hay giúp người tiêu dùng nhận diện sản phẩm nông nghiệp Đồng Tháp; cải tiến, phát triển chuỗi giá trị và nâng cao năng lực cạnh tranh đối với 5 ngành hàng chủ lực của tỉnh. Hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp bằng công nghiệp phụ trợ và công nghiệp chế biến nông sản, chế biến sâu, chế biến tinh; tăng cường xúc tiến thương mại, tổ chức lại và mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu cho các ngành hàng chủ lực của tỉnh và Quốc gia.

Tiếp tục phát huy hiệu quả tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp, ngành nông nghiệp còn đề ra giải pháp liên kết phát triển Tiểu vùng Đồng Tháp Mười, nâng cao hiệu quả kinh tế gắn với bảo tồn văn hóa, lịch sử và đa dạng sinh học, môi trường sinh thái. Hình thành vùng sản xuất tập trung về thủy sản, cây ăn trái và lúa gạo đặc sản; bảo tồn đất ngập nước và đa dạng sinh học, khai thác tài nguyên di sản văn hóa phi vật thể; nâng cao ý thức và sinh kế cộng đồng, bảo vệ tài nguyên đất ngập nước. Bên cạnh đó, triển khai chương trình OCOP gắn với phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn; tiếp tục hỗ trợ các địa phương trong việc triển khai thực hiện việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa nông sản đặc thù của tỉnh...

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn