Thay đổi phương thức sản xuất, hình thành vùng chuyên canh hàng hóa lớn

Cập nhật ngày: 17/08/2017 06:47:11

ĐTO - Thông qua các mô hình hội quán, hợp tác xã (HTX), thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã tập hợp được người dân sản xuất theo mô hình hàng hóa quy mô lớn. Hiện nay, một số địa phương thực hiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phát huy lợi thế của từng vùng, tập trung đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.


Hoa cúc đồng tiền được nuôi trồng trong nhà kính tại Trung tâm Ứng dụng Nông nghiệp công nghệ cao (Ảnh: Mỹ Lý)

Phát huy kết quả và hiệu quả đạt được từ chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất những năm qua, trong 7 tháng đầu năm 2017, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục triển khai Đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM). Bước đầu cho thấy, Đề án đang được triển khai đúng hướng, đã và đang đạt được các mục tiêu đề ra.

Trong 7 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp và các địa phương tiếp tục triển khai và tập trung vào thực hiện các đề án chi tiết trên cơ sở vận dụng những chính sách hỗ trợ sản xuất để phát triển mạnh những sản phẩm, lĩnh vực có lợi thế.


Mô hình sản xuất lúa chất lượng cao gắn với liên kết tiêu thụ giúp giảm giá thành sản xuất từ 251 - 715 đồng/kg

Đối với ngành hàng lúa gạo, đã thực hiện mô hình sản xuất lúa chất lượng cao gắn với liên kết tiêu thụ vụ đông xuân 2016 – 2017 với qui mô 300ha tại 3 điểm (HTX Mỹ Đông 2, xã Mỹ Đông huyện Tháp Mười; HTX Tân Cường, xã Phú Cường và HTX Phú Thọ, xã An Long, huyện Tam Nông) mỗi điểm thực hiện 100ha. Từ việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác lúa hiện đại như quản lý dịch hại tổng hợp, công nghệ sinh thái, 1 phải 5 giảm... mô hình đã góp phần làm giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm thiểu những tác động gây ô nhiễm môi trường.

Kết quả cụ thể, mô hình giảm giá thành sản xuất từ 251 - 715 đồng/kg và lợi nhuận cao hơn so với các ruộng ngoài mô hình khoảng 1,7 triệu đồng đến 5 triệu đồng/ha. Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ của anh Võ Văn Tiếng (ấp Thượng, xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự) thực hiện vụ đông xuân 2016 - 2017 sản xuất 10ha, năng suất 4,3 tấn/ha, lợi nhuận trên 90 triệu đồng/ha.

Đối với ngành hàng thủy sản, tính đến ngày 5/8/2017, diện tích nuôi cá tra từ đầu năm đến nay là hơn 1.900ha, đạt 90% kế hoạch năm. Trong đó, diện tích đang nuôi gần 1.100ha, diện tích thu hoạch 866ha; sản lượng thu hoạch 314,5 tấn. Trên địa bàn tỉnh có 23 doanh nghiệp nuôi cá tra xuất khẩu với tổng diện tích 944ha, chiếm 65% tổng diện tích nuôi toàn tỉnh, còn lại khoảng 167 hộ nuôi với tổng diện tích 533ha, chiếm 35% tổng diện tích nuôi.

Ngoài ra, có khoảng 80% diện tích hộ cá thể tham gia vào chuỗi liên kết với các doanh nghiệp chế biến trong và ngoài tỉnh theo hình thức nuôi gia công với các Công ty TNHH MTV CB TS Hoàng Long, Công ty CP Đầu tư và phát triển Đa quốc gia IDI, Công ty CP Vĩnh Hoàn, Công ty TNHH Hùng Cá... Hình thức liên kết này phù hợp đối với hộ nuôi nhỏ lẻ, người nuôi không vay nợ ngân hàng, không lo đầu ra tiêu thụ sản phẩm, cung cấp thức ăn, được hỗ trợ về mặt kỹ thuật, quyền lợi của hộ nuôi gắn liền quyền lợi công ty nên hộ nuôi có nguồn lợi nhuận ổn định.

Đối với ngành hàng xoài, trong 7 tháng đầu năm thực hiện liên kết tiêu thụ được 39,7 tấn xoài cát chu. Cụ thể, liên kết với Công ty TNHH Nông sản sạch Đại Thuận Thiên 14,310 tấn và Tập đoàn VinGroup 14,31 tấn (trên địa bàn huyện Cao Lãnh).

Ngành hàng hoa kiểng, Trung tâm Ứng dụng Nông nghiệp công nghệ cao triển khai thực hiện mô hình trình diễn cây hoa dược liệu với loại cây bồ công anh (qui mô 0,1ha) vụ đông xuân tại trại An Phong (huyện Thanh Bình), lợi nhuận mô hình 15 triệu đồng. Bên cạnh đó, Công ty P&K liên kết tiêu thụ, bồ công anh tại huyện Tân Hồng với qui mô 0,5ha, đến nay hoa trồng được hơn 50 ngày. Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và nhân giống hoa: tập trung đầu tư phòng nghiên cứu và nhân giống hoa kiểng cấy mô invitro công suất 2 triệu cây/năm; xây dựng khu nhà màng, nhà lưới sản xuất hoa kiểng với hệ thống cảm biến gió, mưa, ánh sáng, nhiệt độ, ẩm độ; cùng với hệ thống lưới cắt nắng, tưới phun sương, tưới nhỏ giọt, tưới phân tự động... Mô hình này nhằm hạn chế hao hụt, hạn chế dịch hại, giúp cây sinh trưởng tốt, nâng cao chất lượng cây giống, giảm giá thành và hiệu quả sản xuất cao.

Ngành hàng vịt, hỗ trợ mô hình chăn nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học-sản xuất theo nhóm gắn với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã thành lập được 5 tổ hợp tác chăn nuôi vịt theo hướng lấy trứng tại huyện Tháp Mười, Tam Nông và liên kết tiêu thụ với Công ty Vĩnh Thành Đạt, giá bán từ 1.750 – 1.950 đồng/trứng, thời gian giao hàng từ 2-4 ngày/lần.

Đến nay, Đồng Tháp đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: vùng lúa chất lượng, vùng cây ăn trái, vùng phát triển nuôi trồng thủy sản... Qua đó, góp phần chuyển dịch giá trị nông nghiệp theo hướng tích cực.

Không chỉ giá trị sản xuất nông nghiệp tăng, thông qua các mô hình hội quán đã tập hợp được người dân, thay đổi tư duy sản xuất từ nhỏ lẻ manh mún sang sản xuất tập trung theo cơ chế thị trường và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Tạo sự chuyển biến sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết giữa các hộ sản xuất, tổ hợp tác, HTX, vùng nguyên liệu gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhằm ổn định sản xuất và nâng cao giá trị các sản phẩm nông, thủy sản.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng cho biết, để nâng cao hiệu quả các mô hình sản xuất nông nghiệp, ngành chuyên môn và các địa phương cần giải quyết các vấn đề về ổn định đầu ra cho nông sản, tránh tình trạng sản xuất ồ ạt dẫn đến một số nông sản sản xuất ra bị ứ đọng, ép giá gây thiệt hại cho nông dân. Bên cạnh đó, việc xây dựng vùng chuyên canh phải phù hợp với tiềm năng và điều kiện của từng địa phương. Phát triển sản xuất gắn liền với việc tiêu thụ nông sản và chú trọng phát triển công nghệ chế biến để nâng cao giá trị sản xuất. Ngoài ra, chú trọng phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật thâm canh tăng vụ gắn với bảo vệ và giữ gìn tài nguyên đất canh tác, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Thảo Vy

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn