Thực hiện nhiều giải pháp khôi phục kinh tế trong những tháng cuối năm

Cập nhật ngày: 03/09/2020 05:57:07

ĐTO - Những tháng đầu năm 2020, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân. Tuy nhiên, nhờ sự chủ động, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp (DN) và Nhân dân tỉnh nhà nên tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong những tháng đầu năm vẫn duy trì phát triển.

Những tín hiệu khả quan

Theo UBND tỉnh, 6 tháng đầu năm, tăng trưởng GRDP ước đạt 3,41% dù thấp hơn so với cùng kỳ nhưng Đồng Tháp là địa phương có tốc độ tăng trưởng cao nhất so với các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Phương châm “Đồng hành cùng DN” được tỉnh quán triệt xuyên suốt bằng những hành động thiết thực. Thông qua mô hình “Cà phê DN” giúp tỉnh chủ động nắm bắt tình hình kinh doanh, đồng thời thăm hỏi và động viên DN vượt qua khó khăn, khuyến khích và hỗ trợ DN tổ chức lại sản xuất. Ngoài ra, kịp thời triển khai chính sách hỗ trợ về giảm lãi suất cho vay, gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất cho DN...

Sự đồng hành đó được cộng đồng DN ghi nhận và đánh giá cao thông qua điểm số PCI hàng năm. Năm 2019, Đồng Tháp tiếp tục giữ vững vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước, đây là năm thứ 12 liên tiếp tỉnh nằm trong nhóm 5 địa phương có chất lượng điều hành cao nhất nước. Bên cạnh đó, Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh (PAR index) tiếp tục xếp vị trí thứ 3/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) được cải thiện rõ nét khi lần đầu vươn lên vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Dù những kết quả đạt được đáng khích lệ nhưng dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa có hồi kết, biến đổi khí hậu sẽ tác động đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Theo Cục Thống kê tỉnh, ước tính tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2020 đạt 4,5%, thấp hơn 2,5% so với kế hoạch đề ra và thấp hơn năm 2019 là 2,02%. Để đạt được mức tăng trưởng cả năm 4,5%, trong những tháng cuối năm, tỉnh phải nỗ lực nhiều hơn nữa.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương, dù tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm 2020 đạt thấp so với cùng kỳ nhưng Đồng Tháp là địa phương có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đây là nỗ lực của người dân, DN và cả hệ thống chính trị. Nhằm phát triển, phục hồi kinh tế - xã hội tỉnh nhà trong những tháng cuối năm, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương đề nghị ngành nông nghiệp đẩy mạnh thực hiện các mô hình liên kết tiêu thụ, hình thành chuỗi giá trị, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị gia tăng từ sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, các ngành hữu quan cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, tạo đầu ra cho sản phẩm.

Đẩy mạnh khôi phục kinh tế trong những tháng cuối năm

Ông Võ Thành Ngoan - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, thời gian tới, đơn vị triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống thiên tai, bảo vệ sản xuất nhằm đảm bảo đạt kế hoạch đề ra. Mặt khác, ngành nông nghiệp tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất; đẩy mạnh hoạt động sản xuất, chăn nuôi theo hướng an toàn, giảm chi phí canh tác, đáp ứng yêu cầu thị trường; từng bước xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị ngành hàng. Ngoài ra, Sở NN&PTNT kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường khuyến cáo sản xuất rải vụ, giãn vụ đối với cây ăn trái và thả nuôi cá tra với mật độ thưa nhằm giảm áp lực cho nhà máy chế biến và đầu mối tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh.

Trên tinh thần thúc đẩy hoạt động giao thương trong những tháng cuối năm, ông Nguyễn Hữu Dũng - Giám đốc Sở Công Thương cho biết, thời gian tới, đơn vị phối hợp các sở, ngành liên quan, địa phương hỗ trợ DN, DN khởi nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ, cải tiến trang thiết bị, bao bì sản phẩm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tạo ra nhiều sản phẩm giá trị gia tăng. Đồng thời phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu, ứng dụng thương mại điện tử trong quảng bá, giới thiệu, trao đổi mua - bán sản phẩm...

Ngoài ra, Sở Công Thương còn phối hợp các ngành liên quan, địa phương tăng cường kêu gọi các DN trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư để dẫn dắt xây dựng chuỗi giá trị liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ. Để hỗ trợ các DN và DN khởi nghiệp khắc phục hạn chế, khó khăn khi kết nối vào các hệ thống phân phối, Sở Công Thương đề xuất UBND tỉnh xây dựng vùng sản xuất tập trung, đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng gắn với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh. Đồng thời vận động các DN đủ mạnh làm đầu mối hỗ trợ kết nối, vận chuyển nông sản đến các kênh phân phối; tạo điều kiện cho các DN, DN khởi nghiệp, hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn đầu tư cho hoạt động sản xuất.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất, tại hội nghị trực tuyến thường kỳ vừa qua của UBND tỉnh, ông Phạm Thiện Nghĩa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đề nghị các sở, ngành, địa phương chia sẻ khó khăn, hỗ trợ DN, cơ sở sản xuất thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa. Bên cạnh đó cập nhật, hướng dẫn nhanh chóng những quy định mới trong việc hỗ trợ cho các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trên tinh thần chính xác, kịp thời.

Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, lãnh đạo tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư phải đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Riêng các ngành hữu quan, địa phương thực hiện tốt quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, môi trường; rà soát, hỗ trợ, thúc đẩy các nhà đầu tư được giao đất thực hiện dự án.

Trước bối cảnh thay đổi nhanh của xã hội luôn tiềm ẩn những yếu tố mang tính chất bất định, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan đề nghị lãnh đạo các ngành, địa phương chủ động cập nhật những thông tin liên quan đến lĩnh vực mình phụ trách để xây dựng những phương án thích nghi với tình hình mới...

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn