Triển khai đợt cao điểm hành động vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp

Cập nhật ngày: 21/10/2015 05:27:27

Ngày 19/10, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai đợt cao điểm hành động vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) trong lĩnh vực nông nghiệp. Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong 9 tháng đầu năm, công tác triển khai đảm bảo vệ sinh ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp có bước chuyển biến. Bộ NN&PTNT và các địa phương đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến về ATTP, tổ chức triển khai giám sát, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm các sai phạm ATTP theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, kết quả giám sát diện rộng cho thấy tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản xếp loại C còn cao, chiếm 20,5%. Có 45% cơ sở loại C được tái kiểm tra và sau khi tái kiểm vẫn còn 79% cơ sở xếp loại C.

Bên cạnh đó, tỷ lệ mẫu giám sát vi phạm ATTP còn cao, vẫn còn 10,1% mẫu thủy sản nhiễm dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng, vượt ngưỡng cho phép; 10,3% mẫu rau có dư lượng hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vượt giới hạn cho phép; 16% mẫu thịt phát hiện có Salmonella; 7,6% mẫu thịt có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng. Xử lý tiêu hủy các lô hàng nhập khẩu vi phạm về ATTP.

Để đảm bảo thực hiện có hiệu quả về vệ sinh ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp, từ nay đến Tết Nguyên đán 2016, Bộ NN&PTNT đề ra những nội dung trọng tâm như: tuyên truyền sâu rộng đến các cơ quan chức năng, cơ sở sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng về đợt cao điểm Năm vệ sinh ATTP; tổ chức hỗ trợ cơ sở sản xuất kinh doanh chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (GAP), cơ sở đủ điều kiện đảm bảo ATTP; tăng cường kiểm soát thực phẩm nhập khẩu. Bên cạnh đó, xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất - tiêu thụ và quảng bá sản phẩm an toàn.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao những mô hình tiên tiến thuộc lĩnh vực nông nghiệp được thực hiện trong thời gian qua. Thời gian tới, Bộ NN&PTNT và các ngành liên quan phải ngăn chặn hiệu quả và giải quyết dứt điểm việc lưu thông, sử dụng chất cấm (đặc biệt là Salbutamol, VAT Yellow, Salmonella) trong chăn nuôi; thực hiện kiểm tra chặt chẽ các chất tồn dư trong rau, thịt heo, thịt gà, thủy sản nuôi; hình thành được một số điểm cung ứng nông sản, thủy sản an toàn có xác nhận cho người tiêu dùng để phổ biến, nhân rộng trong thời gian tới. Song song đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người sản xuất kinh doanh về ATTP; thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa các cơ quan ở Trung ương và địa phương về công tác quản lý ATTP.

Khánh Phan

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn