Vai trò của Khoa học và Công nghệ trong tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng bền vững vùng ĐBSCL

Cập nhật ngày: 09/10/2015 15:09:45

Ngày 8/10, tại hội trường Khu Du lịch Mỹ Trà, UBND tỉnh phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức hội thảo khoa học chủ đề "Vai trò của KH&CN trong tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)".

Hội thảo do Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng; Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương Nguyễn Hồng Hà; Giám đốc Sở KH&CN Đồng Tháp Dương Nghĩa Quốc đồng chủ trì. Hội thảo có sự tham dự của 150 đại biểu là đại diện các viện, trường, các sở, ngành, doanh nghiệp (DN) 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL và 3 tỉnh, thành khu vực Đông Nam bộ (TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Vũng Tàu).


Quang cảnh hội thảo

Vùng ĐBSCL với hơn 17 triệu dân, hiện chiếm 17,8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), 80% giá trị gạo và gần 60% giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước. Hiện nay, 13 tỉnh, thành phố trong vùng đã có đề án tái cơ cấu kinh tế để thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương Nguyễn Hồng Hà, phát triển kinh tế vùng ĐBSCL góp phần thực hiện công bằng, bình đẳng xã hội giữa các khu vực dân cư trong xã hội, đó là một trong những mục tiêu, yêu cầu trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Việc đẩy mạnh ứng dụng KH&CN, đặc biệt là công nghệ cao vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành và thích ứng với biến đổi khí hậu được đặt ra và đang được triển khai trong thực tiễn. Cụ thể là việc năng cao năng lực chế biến, bảo quản theo hướng hiện đại, góp phần hữu hiệu giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao giá trị gia tăng của nông sản, nhất là lúa gạo.

Về tái cơ cấu kinh tế, khu vực ĐBSCL thì trọng tâm là tái cơ cấu các chuỗi cung ứng nâng cao giá trị gia tăng nội địa, nhất là chuỗi cung ứng các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của vùng như: lúa, gạo, cá da trơn, tôm và các loại hải sản khác; các loại rau, quả nhiệt đới...Hiện khu vực ĐBSCL có 4 DN có Quỹ Phát triển KH&CN (toàn quốc có 49 DN); 9 DN khoa học công nghệ (trong đó có 1 DN công nghệ cao tại Trà Vinh). Tuy nhiên hiện nay mới có 5 DN trong vùng tham gia dự án thuộc Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia.

Riêng Đồng Tháp, thời gian qua, công tác nghiên cứu, ứng dụng KH&CN mang lại hiệu quả hơn, phục vụ tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Giai đoạn 2011-2015, tỉnh đã tổ chức thực hiện 50 đề tài, dự án (trong đó có 41 đề tài, dự án mới triển khai) với tổng kinh phí được phê duyệt là 41,426 tỷ đồng.

Tham dự hội thảo, các nhà khoa học, cán bộ ngành KH&CN cũng trình bày một số tham luận liên quan đến nội dung KH&CN trong tái cơ cấu kinh tế vùng ĐBSCL; Liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản ổn định và bền vững theo cách tiếp cận chuỗi giá trị; Vai trò của KH&CN để phát triển cây ăn trái phục vụ tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng bền vững vùng ĐBDCL. Ngoài ra, hội thảo còn tiếp nhận nhiều ý kiến thảo luận, kiến nghị về công tác bảo hộ giống mới trong nước và quốc tế; đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tư vấn và dịch vụ kỹ thuật ngành cơ khí nông nghiệp; tập trung nghiên cứu, lai tạo các giống mới có năng suất chất lượng cao thích nghi với biến đổi khí hậu; cần ban hành cơ chế đặc thù trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ KH&CN... Bước vào sân chơi TPP nghĩa là biên giới của thị trường sản phẩm và thị trường lao động sẽ rộng hơn, cơ hội và thách thức song hành. Tại hội thảo, đại biểu tham dự cũng có nhiều ý kiến thảo luận liên quan đến vấn đề này.

Thanh Hiền

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn