Xác định được nguyên nhân lúa chết hàng loạt tại huyện Hồng Ngự
Cập nhật ngày: 09/05/2016 13:31:23
Như Báo Đồng Tháp đã phản ánh gần đây, trong vụ hè thu năm nay, tại 2 xã Thường Thới Tiền và Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự có hơn 40ha lúa bị chết bất thường nhưng chưa rõ nguyên nhân. Vừa qua, UBND huyện Hồng Ngự tổ chức buổi tọa đàm thông tin về nguyên nhân lúa hè thu chết hàng loạt xảy ra ở các địa phương trên.

Lúa chết, nông dân tốn thêm chi phí thuê nhân công giặm lúa
Phó Giáo sư, Tiến sĩ (PSG,TS) Trần Kim Tính - Trưởng Phòng thí nghiệm chuyên sâu, giảng viên Trường Đại học Cần Thơ cho biết: Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tình trạng lúa chết là do chất hữu cơ tích tụ trong ruộng quá nhiều dẫn đến ngộ độc hữu cơ. Đồng thời, thời tiết nắng nóng nên lượng nước trên mặt ruộng bị bốc hơi, cạn dần khiến cho độ mặn trong đất và nước tăng lên, gây chết lúa. PGS,TS Trần Kim Tính thông tin thêm: “Nguyên nhân gây tích tụ chất hữu cơ trong đất là do nông dân không rửa đất được, rơm rạ vụ trước chưa được phân hủy hết”.
Về việc nhiều nông dân có ý kiến phản ánh do phải sử dụng nguồn nước thải từ ao nuôi cá để bơm vào ruộng đã làm tăng độ mặn trong đất và nước, PGS,TS Trần Kim Tính cho rằng nguồn nước thải này có độ mặn không cao và không phải là nguyên nhân trực tiếp gây chết lúa. Hiện nay, trong đất của một số diện tích lúa có độ mặn tương đối cao. Điều này là hệ lụy của việc làm lúa nhiều vụ, nông dân bón phân quá nhiều, cộng thêm việc đất không được ngâm lũ nên lượng phân tồn đọng đã làm tăng độ mặn trong đất.

Ngành chuyên môn khảo sát tình hình lúa chết ở xã Phú Thuận B
Đáng lưu ý là nếu người dân không sử dụng nước giếng khoan để nuôi cá, độ mặn trong ao ở mức cho phép thì nguồn nước thải này là nguồn hữu cơ tốt cho lúa. PSG,TS Trần Kim Tính lý giải thêm: “Để nước thải ao nuôi cá là nguồn hữu cơ có ích thì chúng ta phải áp dụng qui trình kỹ thuật và nước không được ngập lúa mà dùng biện pháp tưới ẩm. Để làm được điều này thì bà con nuôi cá, người trồng lúa cần có sự phối hợp chặt chẽ và sự hỗ trợ của nhà kỹ thuật”.
Bà con nông dân có lúa thiệt hại vừa qua mong muốn các ngành chuyên môn kiểm tra chặt chẽ độ mặn của nguồn nước thải nuôi cá tại huyện Hồng Ngự. Đặc biệt là đối với những hộ sử dụng nước giếng khoan để nuôi cá và thải ra ruộng lúa vì sẽ ít nhiều gây thiệt hại cho nông dân. Nhiều giải pháp đã được ngành chuyên môn đưa ra để hạn chế tình trạng lúa chết trong các vụ sau. Trong đó, việc rửa đất nhằm hạn chế ngộ độc hữu cơ và độ mặn tích tụ trong đất là giải pháp rất cần thiết. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này không dễ dàng.
Nông dân Võ Văn Nghĩ ở xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự chia sẻ: Nước tưới cho ruộng của tôi và nhiều diện tích lân cận được bơm từ dưới kênh lên. Nước lấy lên tưới cho lúa nhưng khi tiêu nước cũng lại đưa xuống kênh này, nghĩa là tưới toàn nước cũ. Tôi đề nghị cần có giải pháp xây dựng riêng hệ thống tưới và tiêu nước; kết nối nguồn nước của kênh với sông lớn để nước tưới cho lúa đảm bảo mới, sạch.
Ông Nguyễn Văn Boul - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hồng Ngự cho biết: Theo chỉ đạo của UBND huyện Hồng Ngự, sẽ chấn chỉnh tình hình các hộ nuôi cá gây ảnh hưởng lúa; có qui hoạch cụ thể vùng nuôi cá. Huyện cũng sẽ xây dựng hệ thống tưới tiêu nhưng không phải một sớm một chiều mà phải trong một vài mùa vụ tới. Tình trạng lúa chết không phải do thiên tai, dịch bệnh nên không có chính sách hỗ trợ cho nông dân.
Thực tế, nhiều nông dân vẫn chưa đảm bảo thời gian cách ly mùa vụ. Đồng thời, lạm dụng nhiều phân bón, thuốc hóa học dẫn đến năng suất lúa giảm, thậm chí gây ngộ độ hữu cơ, tăng độ mặn trong đất gây chết lúa. Do vậy, nông dân cần tuân thủ đúng các qui trình kỹ thuật và khuyến cáo của ngành nông nghiệp nhằm tránh những thiệt hại đáng tiếc như vụ lúa hè thu năm nay.
H.HIỆP - V.BỬU