Xây dựng Đồng Tháp thành địa phương khởi nghiệp

Cập nhật ngày: 08/04/2016 07:15:55

Đây là nội dung chính trong buổi tọa đàm “Kinh nghiệm Khởi nghiệp và Kỹ năng Quản trị doanh nghiệp” do Hội Nhà Báo tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Đài Phát thanh Truyền hình Đồng Tháp tổ chức vào ngày 6/4. Tham dự có các diễn giả chính: Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan; bà Vũ Kim Hạnh - Giám đốc Trung tâm BSA; ông Nguyễn Thanh Mỹ, Tập đoàn Mỹ Lan cùng đội ngũ là nhà báo, phóng viên của các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh; một số sinh viên Trường Đại học Đồng Tháp...


Các diễn giả cho rằng Đồng Tháp là địa phương có nhiều ưu thế trong thu hút đầu tư và khởi nghiệp

Chia sẻ về những yếu tố cần và đủ để xây dựng một địa phương khởi nghiệp, bà Vũ Kim Hạnh và ông Nguyễn Thanh Mỹ đều cho rằng, Đồng Tháp hội tụ khá nhiều điều kiện thuận lợi để xây dựng thành địa phương khởi nghiệp. Trong đó, những tiềm năng và lợi thế trong phát triển nông nghiệp được xem là nền tảng tốt để Đồng Tháp vươn mình. Song song đó, Đồng Tháp có một chính quyền rất năng động và luôn có chính sách đồng hành với doanh nghiệp trong chặng đường phát triển. Ông Mỹ cho rằng đây là nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của địa phương. Ngoài ra, các diễn giả cũng nhận định, Đồng Tháp có cộng đồng doanh nghiệp rất trẻ và năng động. Đây sẽ là tác nhân cốt lõi thúc đẩy phong trào khởi nghiệp phát triển và tạo ra sức lan tỏa chung cho cộng đồng.

Tại buổi tọa đàm, các diễn giả còn phân tích sâu về các điều kiện hội tụ để một doanh nghiệp, một cá nhân có thể khởi nghiệp. Theo quan niệm của ông Nguyễn Thanh Mỹ, các bạn trẻ trước khi quyết định khởi nghiệp cần tích lũy các điều kiện cần và đủ như sau: tích lũy tri thức, kinh nghiệm quản trị, cuối cùng là vốn... bởi chỉ tích lũy đầy đủ các yếu tố này thì mới có thể thành công được. Còn Bà Vũ Kim Hạnh cho rằng, đừng bao giờ có khái niệm “khởi nghiệp một mình”, để khởi nghiệp thành công cần phải liên kết và cần có những hiểu biết nhất định về quản trị, về thị trường...

Ngoài ra, cũng theo ý kiến của các diễn giả, vấn đề về xây dựng một địa phương thành nơi khởi nghiệp không phải là câu chuyện một ngày một bữa, nó là hành trình rất dài cần có sự chung sức, đồng lòng trong cả hệ thống chính trị và người dân ở khu vực đó. Điều đầu tiên cần làm lúc này là thay đổi tư duy, nhận thức của người dân về vấn đề khởi nghiệp. Để làm được điều đó, vấn đề về giáo dục ở nhà trường và gia đình được xem là cốt yếu để phát triển tư duy một con người...

M.L

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn