Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh lấy ý kiến đóng góp 3 dự án luật

Cập nhật ngày: 08/10/2015 11:14:09

Sáng ngày 08/10/2015, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp dự án Luật Tố tụng Hành chính (sửa đổi), Bộ luật Tố tụng Dân sự (sửa đổi) và Bộ luật Tố tụng Hành sự (sửa đổi). Tham gia đóng góp ý kiến có đại diện lãnh đạo các ngành Toà án, Viện kiểm sát, Công an, Hội Luật gia, Đoàn Luật sư và các ngành có liên quan.


Đại diện lãnh đạo ngành Công an đóng góp ý kiến

Tại kỳ họp lần thứ 9, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến đối với các dự án luật trên, qua tổng hợp ý kiến đóng góp vẫn còn một số vấn đề có ý kiến khác nhau. Do đó, Quốc hội tiếp tục lấy ý kiến các cấp, các ngành về các vấn đề này. Ông Nguyễn Hữu Đức – Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã gợi ý các nội dung quan trọng cần được tập trung làm rõ thêm.

Trong đó, về vị trí vai trò của Viện kiểm sát trong tố tụng hành chính, tố tụng dân sự, ý kiến của của đại biểu nên tiếp tục quy định Viện kiểm sát là cơ quan tiến hành tố tụng, tham gia các phiên toà giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự để thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Về trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, đại biểu thống nhất là nên có quy định các chế tài xử lý cá nhân, cơ quan, tổ chức vi phạm nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của đương sự, Toà án.

Đại biểu thống nhất dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) quy định Toà án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng, mà phải thụ lý giải quyết và căn cứ pháp luật để áp dụng là tập quán, quy định pháp luật tương tự. Qua thực tiễn hoạt động xét xử của Toà án, đại biểu thống nhất quy định trong dự thảo là Hội đồng xét xử giám đốc thẩm được quyền sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực để bảo vệ kịp thời quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự, bởi theo quy định hiện hành sau khi huỷ án, giao về cho Toà án cấp dưới xét xử lại đã dẫn đến tình trạng kéo dài thời gian giải quyết và có khi lại tiếp tục giải quyết không đúng.

Đối với dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), đại biểu thống nhất quy định dự thảo về quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo, theo đó những người này có quyền trình bày lời khai, đưa ra ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc nhận mình có tội. Về thủ tục tranh tụng tại phiên toà, nhiều ý kiến thống nhất với dự thảo tiếp tục kế thừa trình tự hỏi như hiện hành; đồng thời có bổ sung những quy định để tăng cường trách nhiệm xét hỏi của kiểm sát viên, để bị cáo, người bào chữa, bị hại và những người tham gia tố tụng khác chủ động, tích cực tham gia hỏi những vấn đề chưa rõ hoặc còn mâu thuẫn…

Những ý kiến đóng góp của đại biểu sẽ được Đoàn ĐBQH ghi nhận và báo cáo trong kỳ họp Quốc hội lần thứ 10 tới.

Thanh Trúc

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn