Hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng Quân đội

Cập nhật ngày: 14/04/2024 09:29:34

http://baodongthap.com.vn/database/video/20240414093011DT2-4.mp3

 

ĐTO - Thực hiện Đề án “Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2022 - 2027” (viết tắt là Đề án 1371). Thời gian qua, Ban Chỉ đạo Đề án 1371 tỉnh đã xây dựng và ban hành kế hoạch phân công cụ thể đối với từng thành viên và đề ra những nhiệm vụ, giải pháp trong hướng dẫn chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện Đề án đạt những kết quả thiết thực.


Tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân ở huyện Tháp Mười

Tuyên truyền pháp luật sinh động, hiệu quả

Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc Đề án 1371 của 12 huyện, thành phố và Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức các hoạt động PBGDPL cho cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân sát với tình hình nhiệm vụ và phù hợp với nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân.

Trong đó, để nâng cao chất lượng công tác PBGDPL, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở, thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án, Ban Chỉ đạo Đề án ở các cấp, nhất là các địa phương vùng biên giới đã chủ động rà soát, nắm bắt tình hình đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật các cấp, cũng như đội ngũ cộng tác viên, hòa giải viên pháp luật và người có uy tín ở cơ sở. Từ đó, xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ, kiến thức cơ bản về pháp luật cho đội ngũ trực tiếp làm công tác này tại cơ sở. Một số đơn vị phối hợp tốt với địa phương tổ chức hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật để trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau về kiến thức pháp luật, nâng cao trình độ, kỹ năng, phương pháp PBGDPL, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở.

Ban Chỉ đạo Đề án tỉnh, cấp huyện phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành tại địa phương khảo sát, lựa chọn nội dung hình thức PBGDPL, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật đa dạng như: tổ chức phổ biến tập trung trực tiếp; nói chuyện pháp luật; tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật; cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật; tuyên truyền pháp luật trên phương tiện thông tin đại chúng; phát loa tuyên truyền; tủ sách pháp luật; phối hợp tổ chức thi tìm hiểu pháp luật, diễn đàn, tọa đàm, ngày pháp luật; củng cố, phát triển và duy trì hoạt động của trên 20 Câu lạc bộ pháp luật và trợ giúp pháp lý...

Đến nay, Ban Chỉ đạo 1371 các cấp đã tổ chức gần 120 buổi tuyên truyền, PBGDPL và trợ giúp pháp lý lưu động tại cơ sở, thu hút trên 13.000 lượt người tham dự; đã nghiên cứu, biên soạn hàng trăm đề cương, tài liệu tuyên truyền các Luật, văn bản dưới luật; biên soạn, in và cấp trên 20.000 tờ rơi, tờ gấp phục vụ công tác tuyên truyền pháp luật với những nội dung sinh động dễ nhớ, dễ hiểu, phù hợp với từng đối tượng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa và khu vực biên giới.

Bên cạnh đó, các Câu lạc bộ pháp luật, trợ giúp pháp lý, Trung tâm tư vấn pháp luật, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm và Tổ hòa giải đã phục vụ có hiệu quả nhu cầu tìm hiểu pháp luật, tư vấn, giải quyết các tranh chấp về lĩnh vực đất đai, hôn nhân gia đình, quyền lợi và nghĩa vụ của công dân trong khiếu nại, tố cáo, hòa giải các mâu thuẫn, bức xúc của Nhân dân ở địa phương, hạn chế tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo, góp phần giữ vững an ninh trật tự, ổn định chính trị - xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Một trong những địa phương triển khai thực hiện tốt Đề án 1371 là huyện Tháp Mười. Trong quá trình triển khai thực hiện, Ban Chỉ đạo huyện đã quan tâm, đa dạng hóa hình thức, nội dung tuyên truyền, đẩy mạnh công tác kiểm tra tiến độ, kết quả thực hiện. Từ đó kịp thời phát huy ưu điểm, nhân rộng những cách làm hay, rút kinh nghiệm những mặt còn hạn chế nhằm bảo đảm thực hiện có hiệu quả, chất lượng các chỉ tiêu, nhiệm vụ thực hiện Đề án.

Năm qua, Ban Chỉ đạo huyện đã tổ chức được 12 lớp tuyên truyền, PBGDPL tại các xã: Trường Xuân, Hưng Thạnh, Thạnh Lợi và Mỹ Hòa với hơn 700 lượt cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân tham gia; đồng thời biên soạn tài liệu phổ biến thành những tờ rơi tuyên truyền cấp phát đến tận hộ gia đình cho hơn 4.000 hộ dân; tổ chức tuyên truyền trong đội ngũ cán bộ, đảng viên thông qua họp giao ban, hội nghị, sinh hoạt các chuyên đề và học tập nghị quyết với gần 3.500 lượt người tham gia.

Góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự

Ông Võ Thành Nam ngụ Ấp 4, xã Thạnh Lợi, huyện Tháp Mười chia sẻ, thông qua buổi tuyên truyền về PBGDPL, tôi có thêm kiến thức về các luật liên quan đến đời sống, hôn nhân và gia đình. Mong rằng, địa phương tiếp tục quan tâm tuyên truyền đối với một số luật sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thi hành đến người dân. Theo ông Trần Văn Cưng - Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Lợi, huyện Tháp Mười, thời gian qua, công tác tuyên truyền PBGDPL cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân được địa phương quan tâm thực hiện, giúp người dân nâng cao nhận thức trong chấp hành các quy định của pháp luật, góp phần ổn định tình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Trung tá Nguyễn Văn Trung - Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tháp Mười cho biết, xác định việc triển khai thực hiện Đề án 1371 là nhiệm vụ trọng tâm, trên cơ sở đó, Đảng ủy - Ban CHQS huyện đã chủ động tham mưu UBND huyện xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện và thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc, Tổ tuyên truyền về quy chế làm việc. Trong đó, Ban CHQS huyện là cơ quan thường trực có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện; đồng thời phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị để công tác PBGDPL mang lại hiệu quả thiết thực.

Quá trình triển khai thực hiện Đề án luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của Ban Chỉ đạo Đề án 1371 Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 và sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, địa phương. Với tinh thần chủ động và trách nhiệm, Ban Chỉ đạo Đề án 1371 và các đơn vị thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án, phối hợp chặt chẽ với địa phương, huy động tối đa mọi nguồn lực, nhân lực, triển khai quyết liệt, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án. Qua đó góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức và Nhân dân, nhất là địa bàn trọng yếu, vùng sâu, vùng xa. Các vụ việc vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, tình trạng buôn lậu; xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới và khiếu nại vượt cấp ở nhiều địa phương giảm, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh.

N.LONG

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn