Quản lý dịch vụ cầm đồ để không “tiếp tay” cho tội phạm

Cập nhật ngày: 05/12/2014 13:19:55

Dịch vụ cầm đồ (DVCĐ) là nơi phục vụ nhu cầu chính đáng của một bộ phận khách hàng cần tiền gấp, tuy nhiên trên thực tế có một số DVCĐ đã trở thành những địa chỉ tiêu thụ tài sản trộm cắp, cá cược, đánh bạc... gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự (ANTT) tại địa phương.


Số xe mô tô được cầm ở một dịch vụ cầm đồ

Theo thống kê, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 896 cơ sở kinh doanh DVCĐ. Theo quy định, người đến cầm đồ, thế chấp phải xuất trình giấy phép lái xe, giấy uỷ quyền, giấy CMND để chủ cơ sở kiểm tra, đối chiếu và photocopy lưu lại tại cơ sở. Tuy nhiên, vì lợi nhuận một số cơ sở DVCĐ bất chấp quy định, nhận cầm những tài sản không rõ nguồn gốc hoặc tài sản do phạm tội mà có. Nếu chấp nhận cầm cố tài sản “không chính chủ”, các chủ cơ sở dịch vụ thường định giá hàng cầm rất thấp, khoảng từ 50% trở xuống để khi khách không đến chuộc, chủ cơ sở sẽ bán tài sản thu hồi vốn, trong khi đa số đối tượng trộm tài sản như xe mô tô là để bán lấy tiền tiêu xài nên khi cầm thì không bao giờ chuộc. Từ những nguyên nhân này, DVCĐ trở thành nơi “tiêu thụ” tài sản do người khác phạm tội mà có.

Với mục đích làm thế nào để tiêu thụ nhanh tài sản, tránh sự phát hiện của lực lượng công an, các đối tượng trộm thường dùng mọi thủ đoạn để “cầm” tài sản để lấy tiền tiêu xài. Điển hình như đối tượng Võ Vĩnh Phát (SN 1995) ngụ thị trấn Thanh Bình sau khi lấy trộm được giấy cầm đồ trong cốp xe của chị Phạm Thị Tuyết Em, Phát nhanh chóng đem đến tiệm cầm đồ bán hết số tài sản đã cầm trong giấy để lấy tiền tiêu xài.

Theo quy định, chủ cơ sở DVCĐ chỉ được cầm cố những tài sản khi đã có đủ cơ sở pháp lý xác định tài sản đó thuộc sở hữu của người đến cầm cố. Tuy nhiên tính đến tháng 5/2014, qua công tác kiểm tra của Đội đăng ký vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT và con dấu - Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Đồng Tháp đã phát hiện 17 cơ sở cầm đồ vi phạm các lỗi: không thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý ANTT đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhận cầm cố tài sản nhưng không có hợp đồng theo quy định, nhận cầm cố tài sản thuộc sở hữu của người khác mà không có giấy ủy quyền.

Theo Trung tá Lê Văn Thanh - Đội trưởng Đội đăng ký vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT và con dấu Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, những tháng cuối năm, tội phạm có thể phát sinh, nhất là trộm cắp. Để góp phần giải quyết vấn đề này, cảnh sát quản lý hành chính đẩy mạnh công tác kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện, nhất là cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ nhằm hạn chế tình hình cầm cố tài sản do tội phạm trộm cắp mà có. Lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để chủ cơ sở nâng cao ý thức phòng ngừa, phát hiện kịp thời các dấu hiệu nghi vấn, chủ động thông báo cho lực lượng công an; cần có những chế tài mạnh đối với các DVCĐ vi phạm các quy định kinh doanh có điều kiện về ANTT nhằm ngăn chặn tình trạng DVCĐ là nơi “tiếp tay” cho tội phạm.

NGỌC HÂN

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn