Chuyện đặt tên đường

Cập nhật ngày: 27/09/2017 06:47:30

Từ xưa, sông, rạch, kinh, đường... đều được ông bà ta đặt tên để người người biết và gọi. Tên được chọn là người tại địa phương (rạch ông Củng, rạch bà Bướm...) hay danh nhân (Thiên Hộ, Đốc Binh Kiều, Thống Linh...), hoặc địa hình, địa vật (Xẻo Quít, Gò Tháp, Dứt Gò Suông...), sự kiện lịch sử (Hổ Cứ, Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung...). Nhất là khi hình thành các đô thị, thành phố, thị xã... các con đường trong nội ô được mở ra và có đường là phải có tên.

Ngoài tên những nhân vật có công với dân tộc đã thành danh, tùy theo chế độ xã hội mà tên người được chọn (công lao, sự nghiệp...) phù hợp với chế độ chính trị xã hội đó. Ví dụ: Sài Gòn thời thuộc Pháp các con đường đều đặt tên Tây như: Bonard, de la Somme, Catinat, Dixmude, Kitchenere, Filippni... Thời Việt Nam cộng hòa thân Mỹ, muốn xóa ảnh hưởng của Pháp nên các tên Tây được thay bằng tên Việt (chỉ trừ 4 người Pháp có công về văn hóa, y tế... còn để lại là Yersin, Pasteure, Calmette, Alexandre De Rhodes). Thời Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam vừa giữ tên các danh nhân dân tộc vừa bổ sung tên liệt sĩ, anh hùng, chánh khách... chống Pháp, chống Mỹ như: Trần Quốc Thảo, Lê Thị Riêng, Võ Thị Sáu, Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt...

Ở tỉnh ta, sau giải phóng, do ít hiểu biết hết các nhân vật lịch sử nên có vài ngộ nhận, như xóa tên đường Hồ Trọng Đính, trường Nguyễn Quang Diêu... Và khi thành lập thị xã, lên TP.Cao Lãnh, TP.Sa Đéc, đường trong nội ô mở ra nhiều thì tên đường cũng được đặt nhiều hơn. Chỗ muốn nói là việc chọn tên ai để đặt ở đường nào cho phù hợp.

Tất nhiên, tỉnh, thành phố, thị xã, thị trấn trong tỉnh cũng làm theo qui trình: Lập Hội đồng xét đặt tên đường, trình ra Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua và sau đó UBND ra quyết định. Song cách làm còn nhiều chuyện phải bàn.

- Đầu tiên phải từ “quỹ” - tức số lượng - các con đường hiện có đã đặt tên và những con đường mới sẽ có trong tương lai là bao nhiêu, ở nơi nào. Qua đó xem xét những con đường nào chính, quan trọng hơn, những con đường nhánh, đường rẽ, đường phụ... mà đặt tên danh nhân, sự kiện nào cho tương ứng.

- Tùy cấp độ thủ đô, thành phố, tỉnh lỵ, huyện lỵ, có nghĩa tầm cỡ cả nước, tỉnh, huyện mà từng cấp có “quỹ” danh nhân, sự kiện tương ứng. Tức những nhân vật, sự kiện đã được đặt tên đường, còn lại những nhân vật, sự kiện nào. Do không nắm vững các “quỹ” này nên xảy ra tình trạng tùy tiện cứ chọn tên nhân vật nào càng to càng thích, đặt không tương xứng. Ví dụ: Đinh Bộ Lĩnh (một vị vua), Huỳnh Thúc Kháng (quyền Chủ tịch nước), Nguyễn Chí Thanh (Đại tướng)... được đặt ở những con đường nhỏ trong xóm ấp. Thiết nghĩ cấp xã, ấp, phường, khóm có thể chọn tên người quê tại nơi, là Anh hùng lực lượng võ trang, Mẹ Việt Nam anh hùng, liệt sĩ... sẽ gần gũi, có tác dụng giáo dục hơn. Không nhất thiết phải có đường Hùng Vương, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo... ở những nơi này. Thủ đô, thành phố lớn là đúng rồi. Cấp địa phương không có cũng không sao.

- Sai vị trí, như đường trước đền thờ ông bà Đỗ Công Tường lại đặt tên Lê Lợi, còn tên ông Đỗ Công Tường lại đặt nơi khác. Bà Trần Thị Nhượng quê Mỹ Trà lại đưa qua phường 4 (Hòa An cũ)...

- Có những người con tiêu biểu của tỉnh nhà như: Võ Phát (Bí thư Tỉnh ủy), Nguyễn Văn Phối (Bí thư Tỉnh ủy, Anh hùng lực lượng võ trang), Bùi Thanh Khiết (Trưởng ban Khoa giáo Trung ương)... lại “bỏ sót”. Và sau này còn có thể thêm Trần Anh Điền (Bí thư Tỉnh ủy)...

- Con đường nào mang tên nhân vật nào, người dân sống trên con đường đó tối thiểu cũng biết được tóm tắt tiểu sử nhân vật đó. Thực tế, còn khá nhiều người sống trên con đường mà không biết người mang tên đó là ai, ở đâu, có công trạng gì... Ví dụ: Đường Bùi Văn Kén ở phường 4, đường Nguyễn Hữu Kiến ở Hòa An nối Tân Thuận Tây, chẳng những người dân mà cả lãnh đạo ở đó cũng ít biết đến các vị đó. Hàng năm, ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch là lễ giỗ Tổ Hùng Vương, nhưng người dân sống trên con đường Hùng Vương chẳng có mảy may biểu hiện gì (như họp tổ dân phố ôn lại lịch sử các vua Hùng, lập bàn thời thắp nhang tưởng niệm, sinh hoạt văn nghệ...).

- Nên làm theo những nơi dưới bảng ghi tên đường, có bảng tóm tắt tiểu sử nhân vật đó cho mọi người biết.

Trong nội ô là vậy, quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã thường mang số: Quốc lộ 30, 54, 80, vì số lượng ít nên dễ nhớ con đường đó ở đâu, từ đâu tới đâu. Còn đường tỉnh, đường huyện (như 840, 841...) thì ngay người trong tỉnh cũng không biết con đường đó ở đâu? Có nên số hóa tất cả như vậy không?

Ngoài ra, ngày xưa đi lại chủ yếu bằng sông, nên sông, rạch, kinh đều có tên. Đường bộ mở dọc theo bờ sông, rạch nào thường mang tên chung với sông, rạch đó. Như rạch Cái Tôm, đường Cái Tôm..., nghe rất thuận. Giờ có nơi tách tên rạch ra, đặt tên đường khác. Như rạch Cái Sâu, đường Đinh Bộ Lĩnh; rạch Xép Lá, đường Lê Văn Cử..., chỉ làm lộn xộn, phức tạp thêm, không cần thiết. Bảo tồn tên địa danh cũ vẫn hay.

Việc ta sửa tên hay đặt tên đường mới cần thận trọng, không nên theo cảm tính, tùy thích gặp đâu đặt đó, vì còn quan hệ đến sổ hộ khẩu, giấy chủ quyền sử dụng đất, giấy chứng minh nhân dân, học bạ, lý lịch..., nên phải có vốn kiến thức am hiểu sâu rộng về lịch sử, về nhân vật, địa danh, cân nhắc kỹ, tránh xáo trộn quá nhiều, tạo ra phiền phức.

Chuyện tên đường (cả tên trường học) còn là chuyện dài nhiều tập, chưa có hồi kết.

Nguyễn Đắc Hiền

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn