Làm nông phải hết lam lũ

Cập nhật ngày: 08/08/2018 10:20:17

http://baodongthap.com.vn/database/video/201808081021458-8 LAM NONG PHAI HET LAM LU.mp3

Bây giờ thì “nông nghiệp công nghệ cao” đã trở thành vấn đề thời sự của cả nước. Từ các diễn đàn quốc gia đến các hội nghị, hội thảo chuyên ngành; từ những người hoạch định chính sách cho đến các chuyên gia trong và ngoài nước; từ các doanh nghiệp đến người nông dân trên khắp cánh đồng quê, đâu đâu cũng nghe bàn thảo. Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao được các địa phương đặt lên hàng đầu trong các kế hoạch xúc tiến đầu tư như là cách để làm một cuộc cách mạng mới trong nông nghiệp xứ mình.


Trồng dưa lưới trong nhà kính ở khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao  huyện Thanh Bình. Ảnh: T.NG

Đã có những dự án ngàn héc ta, ngàn tỉ đồng được đầu tư nơi này, nơi kia khiến người đồng bằng sông Cửu Long không khỏi sốt ruột. Nhưng nhìn lại điều kiện đất đai manh mún quê mình chắc là khó có những dự án quy mô như vậy. Và dù đất đai có đủ quy mô lớn để giao cho nhà đầu tư thì còn hàng triệu người nông dân ở phía ngoài hàng rào các khu nông nghiệp công nghệ cao, làm cách nào để họ tiếp cận với cách làm nông nghiệp kiểu mới?

Doanh nghiệp đầu tư thì phải thu được lợi nhuận, trong khi đầu tư vào nông nghiệp lại gặp nhiều rủi ro, thời gian để thu lợi nhuận chậm hơn là đầu tư một vài nhà máy công nghiệp. Điều đó cần đến sự đồng hành thực sự của lãnh đạo địa phương, chứ không chỉ dừng lại ở những “tấm thảm đỏ” ban đầu.

Một doanh nhân nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao ở Đồng Tháp tâm sự: “Nhà máy đầu tư vào địa phương là tài sản của doanh nghiệp, nhưng đồng thời địa phương cũng cần xem nó là tài sản của mình. Có như vậy, hai bên mới gắn bó lâu dài và cùng cộng đồng trách nhiệm trong suốt thời gian hoạt động”. Vậy đó, hỗ trợ doanh nghiệp đâu chỉ dừng lại ở việc tạo thuận lợi nhất trong thủ tục đầu tư, đất đai, lao động, tín dụng... mà còn cần sự thấu hiểu, chia sẻ giữa lãnh đạo địa phương và doanh nghiệp. Muốn thấu hiểu và chia sẻ thì người lãnh đạo và doanh nghiệp phải cùng trả lời những câu hỏi đặt ra trong bối cảnh nhiều thách thức của thị trường. Và, muốn trả lời thì lãnh đạo và doanh nghiệp không chỉ ngồi trong phòng họp mà phải cùng nhau “băng đồng, lội ruộng” với người nông dân, câu trả lời lắm khi là ở đó.

Một doanh nhân khác đang đầu tư trang trại nông nghiệp công nghệ cao nay đã trở thành người bạn đồng hành với mảnh đất Đồng Tháp tâm sự: “Doanh nghiệp chúng tôi luôn tâm niệm rằng, mình phải có trách nhiệm xã hội, trong đó có trách nhiệm dẫn dắt bà con nông dân đi lên”. Và, “nói là làm”, anh không chỉ cùng có mặt với lãnh đạo tỉnh trong các hội thảo để chia sẻ kiến thức, thông tin thị trường, mà còn lặn lội đến với bà con nông dân để hướng dẫn cách làm nông nghiệp sinh thái.

Một doanh nhân Việt kiều, người đi đầu trong triển khai nông nghiệp thông minh trên đồng ruộng Đồng Tháp, trăn trở: “Nông nghiệp thông minh, nói gì thì nói, là làm sao để người nông dân không còn lam lũ, làm nông mà không phải suốt ngày dãi nắng dầm sương, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Người nông dân phải có nhiều thời gian rảnh rỗi để thư giãn, đọc sách, đi đây đó làm giàu kiến thức cho mình”. Và quả thật, anh đã làm cho người nông dân bất ngờ vì biết ứng dụng điện thoại thông minh để quản lý dinh dưỡng, quản lý tưới tiêu. Có anh nông dân phấn chấn: “Cuộc đời mấy chục năm làm ruộng của tui chỉ có vụ rồi là được rảnh rang, nhàn nhã, chỉ cần bấm vô cái điện thoại là nước tràn vô đồng rồi tự ngắt vận hành khi đủ lượng nước cần, khỏe ru!”.

Thật ấm lòng khi có những doanh nhân đầy tâm huyết như vậy! Các anh đến đây đâu chỉ nghĩ về mình, mà còn nghĩ đến một nền nông nghiệp mới với hàng triệu người nông dân yếu thế. Các anh đến đây đâu chỉ đem đến nguồn vốn đầu tư để địa phương có thêm nguồn thu, giải quyết thêm nhiều việc làm, mà còn đem đến kiến thức kinh tế, thông tin thị trường cho đội ngũ lãnh đạo địa phương. Các anh chính là những nhà tư vấn, mà chỉ một ý tưởng nhỏ thôi, cũng đôi khi làm cho người lãnh đạo thay đổi cách nghĩ, cách làm. Có ai đó nói rằng: “Ý tưởng thường xuất phát từ một người nhưng để hoàn thiện ý tưởng đó thì cần đến nhiều người, ý tưởng người này dẫn dắt ý tưởng người khác”.

Chính các doanh nhân đến với Đồng Tháp là những “mảnh ghép” giúp cho bức tranh kinh tế - xã hội tỉnh nhà ngày càng cân chỉnh hơn trong xu thế hội nhập. Cũng chính các doanh nhân như vậy, bằng kinh nghiệm thương trường, đang tư vấn và hỗ trợ cho các ý tưởng khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp của giới trẻ trên mảnh đất này. Thật đáng trân quý! Càng trân quý thì càng cần phải đồng hành thực sự, không câu nệ về thời gian, không gian.

Câu chuyện đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao đâu chỉ nhìn nhận dưới góc độ quy mô nhà máy, trang trại, vốn đầu tư, công nghệ, mà còn cần nhìn nhận ở chỗ có làm lan tỏa kiến thức làm nông nghiệp tiên tiến đến hàng triệu nông dân; doanh nghiệp có dẫn dắt người nông dân hướng tới sự thay đổi hay không.

Khi ấy, định hướng “Hợp tác - Liên kết - Thị trường” sẽ gặt hái được thêm những quả ngọt!

Lê Minh Hoan

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn